CHUYỂN NHIỀU PHÔI CÓ LÀM TĂNG KHẢ NĂNG THÀNH CÔNG

Rất nhiều cặp vợ chồng khi làm thụ tinh trong ống nghiệm thắc mắc là chuyển bao nhiêu phôi vào buồng tử cung là tốt nhất. Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng chuyển càng nhiều phôi trong quá trình điều trị IVF sẽ càng tăng cơ hội thành công hơn. Tuy nhiên không phải trung tâm IVF nào cũng cung cấp đầy đủ các thông tin về vấn đề này. Chính vì thế, thông qua bài viết dưới đây, IVFMD sẽ giúp cho các anh chị trang bị thêm kiến thức để chuẩn bị cho một hành trình điều trị thật thành công.

Chuyển bao nhiêu phôi là tốt nhất?

Nên chuyển tối đa bao nhiêu phôi để đạt hiệu quả cho kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vừa đảm bảo an toàn cho thai kỳ kế tiếp, luôn là mong muốn không chỉ bệnh nhân mà Bác sĩ điều trị cũng vô cùng quan tâm. Để hạn chế đa thai, chúng ta chỉ cần chuyển một lần một phôi, nhưng nếu chỉ chuyển một phôi tỉ lệ thành công sẽ thấp đi. Ngược lại, việc chuyển nhiều phôi cùng một lúc làm tăng tỉ lệ mang thai nhưng cũng sẽ làm tăng cơ hội dẫn đến sinh đôi, sinh ba… Từ đó trở thành gánh nặng cho sản phụ, nhất là những phụ nữ lớn tuổi nhưng vẫn mong muốn có con. Vì vậy, cần cân đối việc chuyển phôi thế nào để tăng tỉ lệ thành công và giảm được khả năng đa thai. Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sức khỏe, chất lượng phôi và độ tuổi của bạn. Cuối cùng Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn để lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Song thai có thật sự tốt?

Với các cặp vợ chồng hiếm muộn thường thích sinh đôi, thậm chí là sinh ba. Sự ra đời của những cặp song sinh khỏe mạnh là một niềm hạnh phúc cực kì lớn lao đối với các ba mẹ, càng đặc biệt hơn với những người phải trải qua hành trình tìm con khó khăn.

Nhưng không phải cặp song sinh nào cũng may mắn có thể sinh ra khỏe mạnh. Với bất kỳ thai kỳ nào cũng có rủi ro, nhưng những rủi ro đó sẽ tăng lên rất nhiều khi mang song thai. Một thai kỳ đơn thai có 9% nguy cơ sinh con nhẹ cân, 2% rất nhẹ cân và 14% sinh non. Những rủi ro này sẽ lần lượt tăng lên 57%, 9% và 65% với trường hợp sinh đôi.

Ngoài ra còn có 1% từ 1 phôi có thể phát triển thành 2 em bé. Như vậy dù chỉ chuyển 1 hay 2 phôi nhưng vẫn có khả năng mang song thai thậm chí là tam thai.

Do đó  quyết định số lượng phôi chuyển phù hợp cũng góp phần vào sự an toàn cho thai kỳ sắp tới của bạn.

Những nguy cơ khi đa thai

Bé sinh non tháng và nhẹ cân là một vấn đề không nên xem nhẹ. Điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ không mong muốn như bé dễ bị suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, vàng da. Từ đó phải nhập viện kéo dài, đồng thời các vấn đề về thị giác, thính giác, không có khả năng điều hòa thân nhiệt, khả năng bệnh tim cao hơn so với đơn thai, bại não và thậm chí là tử vong sơ sinh.

Ngoài ra đối với sản phụ mang đa thai thì tử cung bạn sẽ bị căng quá mức, có nguy cơ biến chứng thai kỳ như nhau bám thấp, nhau tiền đạo gây chảy máu nhiều, ối vỡ sớm. Bạn có thể nghén nặng hơn, tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mổ lấy thai và băng huyết sau sinh. Khi mang đơn thai thì những nguy cơ này cũng có thể xảy ra, nhưng khi mang đa thai thì xu hướng xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn. Và chi phí chăm sóc đa thai sẽ tăng gấp nhiều lần so đơn thai.

Sức khỏe tâm lý cũng là yếu tố quan trọng: khi điều trị hiếm muộn là người phụ nữ đã tăng tỉ lệ lo lắng và trầm cảm. Những yếu tố về tâm lý này xảy ra trong quá trình mang thai đều có thể gây ra biến chứng dọa sảy thai. Hoặc khi tình huống sinh non, sẩy thai xảy ra ít nhiều sẽ gây trầm cảm, rối loạn lo âu dẫn đến lo lắng, thiếu tự tin để chuẩn bị cho thai kỳ tiếp theo.

 

Thành công của 1 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm không nằm ở việc chị có thai hay không mà thay vào đó là bạn  và bé có một thai kỳ an toàn và bé được sinh ra và phát triển khỏe mạnh. Bạn có thể tự do quyết định chuyển 1 hay nhiều  phôi, tuy nhiên so với những rủi ro trên bạn nên cân nhắc cẩn thận hơn khi đưa ra quyết định chuyển phôi. Tốt nhất, khi có ý định thụ tinh ống nghiệm và chuyển phôi, vợ chồng bạn cần tới các cơ sở y tế chất lượng để được bác sĩ kiểm tra và có những tư vấn cần thiết cho việc chuyển phôi.