Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến, có thể lây nhiễm cho cả nam lẫn nữ và đa số không có triệu chứng điển hình. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với người phụ nữ, thậm chí là vô sinh nếu không được điều trị và phòng ngừa kịp thời. Chlamydia cũng có thể gây ra biến chứng thai ngoài tử cung. Đây là căn bệnh gây nhức nhối với nhiều phụ nữ, đặc biệt đối với những người hiếm muộn.
Chlamydia là gì?
Bệnh Chlamydia do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên. Loại vi khuẩn này chỉ sinh sống trong tế bào sống của con người. Chlamydia trachomatis chứa trong dịch tiết ở âm đạo, niệu đạo, cổ tử cung và là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục.
Chlamydia lây lan như thế nào?
Người phụ nữ có thể bị nhiễm Chlamydia khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng với người đã nhiễm Chlamydia. Càng có nhiều bạn tình, nguy cơ lây nhiễm càng cao.
Nếu từng bị Chlamydia và đã được điều trị trong quá khứ thì người phụ nữ vẫn có thể bị nhiễm lại. Điều này có thể xảy ra nếu người đó tiếp tục có quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm Chlamydia. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, Chlamydia cũng có thể lây truyền từ người phụ nữ sang con của họ thông qua nhau thai.
Triệu chứng nhiễm Chlamydia?
Hầu hết những người bị nhiễm Chlamydia thường không có triệu chứng điển hình. Nhiều trường hợp đã bị nhiễm nhưng vẫn không xuất hiện triệu chứng cho đến vài tuần sau khi nhiễm. Nhưng ngay cả khi Chlamydia không gây ra triệu chứng, nó vẫn có thể ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Khi nhiễm bệnh, phụ nữ có các triệu chứng có thể nhận thấy như:
- Tiết dịch âm đạo bất thường.
- Cảm giác nóng rát, đau khi đi tiểu, đau khi giao hợp.
- Có thể chảy máu sau khi quan hệ tình dục hoặc chảy máu giữa chu kỳ kinh.
Phụ nữ cũng có thể bị nhiễm Chlamydia trong trực tràng. Điều này xảy ra do quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc do lây lan từ một vị trí bị nhiễm bệnh khác (chẳng hạn như âm đạo).
Tác hại khi lây nhiễm Chlamydia ở người phụ nữ?
Những tổn thương ban đầu mà Chlamydia gây ra thường không được chú ý. Tuy nhiên, Chlamydia có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ. Khi bị nhiễm Chlamydia mà không được điều trị kịp thời, Chlamydia có thể lây lan đến tử cung và ống dẫn trứng. Điều này có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu (PID). Viêm vùng chậu thường không có triệu chứng, tuy nhiên một số phụ nữ có thể bị đau vùng bụng và vùng chậu. Ngay cả khi nó không gây ra các triệu chứng ban đầu, viêm vùng chậu vẫn có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống sinh sản. Viêm vùng chậy có thể dẫn đến đau vùng chậu lâu dài, không thể mang thai và có khả năng gây thai ngoài tử cung.
Chlamydia nếu không được điều trị cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm HIV – loại vi rút gây ra bệnh AIDS.
Nếu người phụ nữ đang mang thai và bị nhiễm Chlamydia, có thể truyền bệnh cho con trong quá trình sinh nở. Điều này gây ra nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Nhiễm Chlamydia cũng có thể khiến sinh non, gây nhiều ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé.
Nếu đang mang thai, người phụ nữ nên đi xét nghiệm Chlamydia trong lần khám thai đầu tiên. Kiểm tra và điều trị là cách tốt nhất để ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe.
Làm cách nào để giảm nguy cơ nhiễm Chlamydia?
Cách duy nhất để tránh lây nhiễm Chlamydia là không quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng với người bị nhiễm Chlamydia.
Chlamydia là bệnh có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan đâu nhé. Tốt nhất vẫn nên có sự phòng ngừa căn bệnh này. Người phụ nữ có thể tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm chlamydia cách hiệu quả bằng một trong những cách sau:
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Chung thủy một vợ một chồng lâu dài với bạn tình đã được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm STD âm tính.
- Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi bạn quan hệ tình dục.
Điều trị khi nhiễm Chlamydia?
Việc điều trị cho những người nhiễm Chlamydia chủ yếu là ngăn ngừa các biến chứng bất lợi cho sức khỏe sinh sản cũng như hạn chế việc tiếp tục lây nhiễm chéo. Hiện nay, đã có phác đồ điều trị Chlamydia bằng kháng sinh được khuyến nghị cho thanh thiếu niên và người lớn (điều trị cho cả nam và nữ).
Bên cạnh đó, người nhiễm Chlamydia nên kiêng sinh hoạt tình dục trong vòng 7 ngày sau khi dùng kháng sinh, để tránh trường hợp tiếp tục lây nhiễm. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài hơn vài ngày sau khi đã được điều trị, người phụ nữ nên quay lại gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
Tóm lại, việc điều trị Chlamydia không khó, nhưng nếu không được điều trị, Chlamydia có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản. Vì vậy phòng ngừa và điều trị lây nhiễm Chlamydia rất quan trọng đối với các phụ nữ, nhất là các phụ nữ mong muốn con cái.