Mỗi phụ nữ khi sinh ra đều có một lượng trứng nhất định, tốc độ suy giảm của mỗi người là khác nhau và không ai có thể lựa chọn số lượng trứng của mình. Khoa học hiện nay vẫn chưa phát hiện ra cách nào để kìm hãm tốc độ suy giảm cũng như tăng chất lượng của trứng. Tuy nhiên, còn trứng là còn cơ hội, bạn hãy vững tin và lạc quan nhé!
Chỉ số AMH là gì?
AMH (Anti-Mullerian Hormone) là một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt của nang buồng trứng.
Chỉ số AMH cho biết số lượng nang noãn nguyên thủy có trong buồng trứng của bạn, và được xác định qua xét nghiệm máu. Xét nghiệm AMH được các Bác sĩ dùng để đánh giá dự trữ buồng trứng cũng như dự đoán khả năng đáp ứng của buồng trứng khi tiến hành điều trị.
AMH không phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên nó có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường và di truyền.
Hình ảnh: Chỉ số AMH giảm theo độ tuổi
AMH thấp là bao nhiêu?
Nếu bạn có kết quả chỉ số AMH < 1,1 ng/ml, bạn được chẩn đoán là giảm dự trữ buồng trứng, tức là số lượng nang noãn dự trữ ở 2 buồng trứng thấp. Tuy nhiên, điều này không hẳn là bạn không còn khả năng mang thai.
AMH thấp là bình thường hay bất thường?
Nếu bạn đã 40 tuổi mà AMH thấp thì đó là chuyện bình thường nhưng giá trị này sẽ là bất thường khi bạn chỉ mới 25 tuổi. Người phụ nữ có chỉ số AMH thấp, sẽ có thể gặp khó khăn trong việc thụ thai, nguy cơ mãn kinh sớm và một số ảnh hưởng đến sức khỏe.
AMH thấp có khả năng có con không?
Có chứ. Sự thụ thai diễn ra khi chu kỳ của bạn có rụng trứng và có sự góp mặt của tinh trùng. Nên mặc dù AMH thấp, nhưng nếu vẫn có sự rụng trứng có diễn ra, thì bạn vẫn có thể thụ thai bình thường như bao phụ nữ khác. Điều cần quan tâm ở đây là khả năng thụ thai thành công sẽ phụ thuộc vào độ tuổi ở người phụ nữ. Nếu bạn 30 tuổi có AMH = 1 ng/ml thì xác suất thành công sẽ cao hơn so với người 40 tuổi có cùng chỉ số AMH.
Tôi cần làm gì khi phát hiện AMH của mình thấp?
Nếu bạn chưa kết hôn và mong muốn có con sau này, điều đơn giản nhất là hãy suy nghĩ đến hướng kết hôn sớm khi bạn và người yêu đã sẵn sàng.
Bạn cũng có thể thực hiện trữ trứng. Kỹ thuật trữ trứng hiện nay được thực hiện tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Lưu ý là bạn nên tìm hiểu thông tin tại các cơ sở y tế uy tín, để đảm bảo an toàn cho bản thân. Bạn có thể liên hệ với IVFMD để được tư vấn thêm thông tin về trữ trứng, cũng như thủ tục cần thiết cho kỹ thuật này.
Nếu bạn đã kết hôn, hãy cùng bạn đời của mình đến gặp bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn để được tư vấn cho việc chuẩn bị làm ba mẹ.
AMH thấp là phải làm thụ tinh ống nghiệm để có con?
Không nhất thiết, tùy thuộc vào mong muốn của bạn vì thế bạn nên gặp bác sĩ để cùng đưa ra lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế, công việc, thời gian và mong muốn của bạn.
Nếu được, hãy chọn lựa có con sớm, để bạn có thời gian chăm sóc cho con và sức khỏe của bạn. Bạn sẽ bị mãn kinh sớm hơn so với người cùng lứa tuổi. Sau sinh, bạn cũng cần gặp bác sĩ tư vấn và theo dõi sức khỏe tiền mãn kinh nữa nhé.
Khi nào tôi cần phải xin trứng?
Xin trứng là điều không một ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu bạn đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm nhiều chu kỳ thất bại do chất lượng trứng kém hoặc AMH < 0.5 ng/ml thì bạn có thể thảo luận với Bác sĩ đang điều trị cho mình về việc cân nhắc xin trứng để tối ưu hóa khả năng mang thai.
Điều quan trọng nhất bạn nên nhớ là, mỗi phụ nữ khi sinh ra đều có một lượng trứng nhất định, tốc độ suy giảm của mỗi người là khác nhau và không ai có thể lựa chọn số lượng trứng của mình. Khoa học hiện nay vẫn chưa phát hiện ra cách nào để kìm hãm tốc độ suy giảm cũng như tăng chất lượng của trứng. Tuy nhiên, còn trứng là còn cơ hội, bạn hãy vững tin và lạc quan nhé. Hãy để bạn đời được tham gia tư vấn với bác sĩ cùng với bạn, để anh ấy hiểu và sẻ chia với bạn, bởi anh ấy cũng là cha đứa nhỏ mà.