CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO MẸ BẦU MẮC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy cơ cho cả mẹ và bé. Mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để kiểm soát đường huyết tốt khi mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

1 Đái tháo đường thai kỳ là gì, có gây nguy hiểm cho mẹ và bé không?

Đái tháo đường là tình trạng rối loạn dung nạp đường, được phát hiện khi mang thai hoặc mẹ bầu có bệnh tiểu đường trước khi mang thai nhưng chưa được chẩn đoán. Sự rối loạn này có thể do ảnh hưởng của một số nội tiết tố thai kỳ (progesterone, estrogen…). Nếu được kiểm soát tốt đường huyết sẽ trở về bình thường ở khoảng 6 tuần sau sinh. Một số trường hợp sẽ diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2.

2. Biến chứng cho mẹ:

Đái tháo đường gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi:

  • Nhiễm khuẩn đường tiểu, nhiễm nấm
  • Tiền sản giật
  • Nguy cơ mổ sanh
  • Tổn thương đường sinh dục trong quá trình sinh thường do em bé có kích thước quá lớn
  • Đa ối
  • Nguy cơ đái tháo đường thai kỳ diễn tiến thành đái tháo đường tuyp 2 sau sinh.

3. Biến chứng cho thai nhi:

  • Trọng lượng thai nhi phát triển quá mức có thể kẹt vai trong lúc sanh qua ngã âm đạo, em bé có nguy cơ liệt đám rối thần kinh cánh tay hoặc bị các chấn thương khác, nguy cơ ngạt thở do rặn sanh lâu.
  • Thai đột tử
  • Hạ đường huyết, hạ calci, hạ magie
  • Béo phì, đái tháo đường
  • Đa hồng cầu
  • Vàng da sơ sinh

Sau khi được chẩn đoán Đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu sẽ được điều trị bằng cách ăn uống tiết chế hoặc điều trị bằng thuốc tuỳ thuộc vào mức độ.

4. Mục tiêu dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ là gì?

Mục tiêu kiểm soát đường huyết đạt:

  • Đường huyết trước ăn < 95 mg/dL (hoặc < 5.3 mmol)
  • Đường huyết sau ăn 1 giờ: < 140 mg/dL (hoặc < 7.8 mmol)
  • Đường huyết sau ăn 2 giờ: < 120 mg/dL (hoặc < 6.7 mmol)
  • HbA1c < 7%

Duy trì huyết áp bình thường, chỉ số lipid máu ở mức tối ưu.

Ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến đái tháo đường thai kỳ cho mẹ và thai nhi.

Mẹ bầu tăng cân phù hợp theo từng giai đoạn của thai kỳ và đủ dưỡng chất để em bé phát triển khoẻ mạnh.

5. Nguyên tắc ăn uống trong điều trị đái tháo đường thai kỳ

Phân chia bữa ăn: nguyên tắc quan trọng nhất trong ăn uống là chia nhỏ các bữa ăn, việc này giúp mẹ bầu vừa đạt được năng lượng cần thiết cho cơ thể, vừa giúp đường huyết không tăng cao sau bữa ăn quá nhiều hoặc bị hạ đường huyết khi xa bữa ăn. Mẹ bầu nên ăn 4-6 cử trong ngày: gồm 3 cử chính, 1-3 cử phụ.

Ăn chậm nhai kỹ, dùng thức ăn có chỉ số đường thấp:

  • Ăn nhiều rau xanh, rau củ luộc
  • Hạn chế tối đa các thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh như: mức, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, trái cây sấy khô có hàm lượng đường cao.

Mẹ bầu nên thiết kế bữa ăn phong phú, ăn đều đặn các bữa. Không được bỏ ăn kể cả khi bệnh hoặc mệt mõi không muốn ăn để tránh việc hạ đường huyết gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Đối với những mẹ bầu điều trị insulin tác dụng chậm nên ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ để tránh hạ đường huyết trong đêm.

6. Tiêu chuẩn của một khẩu phần ăn tốt

  • Cung cấp vừa đủ năng lượng để cơ thể duy trì các hoạt động hằng ngày.
  • Đủ các chất: chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước. Không làm hạ đường huyết lúc xa bữa ăn gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
  • Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tổn thương thận,..
  • Phù hợp với khẩu vị giúp mẹ bầu ăn ngon miệng.

7. Các mẹ bầu cần lưu ý nhứng gì?

  • Mẹ bầu nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ giai đoạn từ 24 đến 28 tuần. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nên được theo dõi và đánh giá định kỳ bởi bác sĩ nội tiết và bác sĩ sản khoa.
  • Lối sống lành mạnh bao gồm thể chất và tinh thần là căn bản quan trọng cho cả việc điều trị lúc mang thai và phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2 sau sinh.
  • Mẹ bầu nên rèn luyện thói quen sinh dưỡng lành mạnh. Hạn chế thực phẩm chứa đường và chất béo bão hoà. Chú trọng các thực phẩm tươi từ thiên nhiên, ăn nhiều chất xơ (rau xanh, củ quả). Vì ngoài tác dụng làm chậm hấp thu glucose vào máu, chất xơ còn làm giảm hấp thu chất béo và rối loạn lipid máu từ đó giảm nguy cơ mắc biến chứng tim mạch. Ăn nhiều chất xơ giúp mẹ bầu tiêu hoá tốt hơn, tăng miễn dịch và tránh táo bón do nhu động ruột giảm khi mang thai.
  • Tập thể dục: việc tập thể dục đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày vừa làm tăng tiêu hao năng lượng vừa làm tăng tính nhạy cảm của insulin và cải thiện tình trạng sử dụng glucose ở các cơ. Mẹ bầu nên ăn bữa phụ trước buổi tập để tránh nguy cơ hạ đường huyết.

Hy vọng bài viết này cung cấp cho mẹ bầu những thông tin hữu ích. IVFMD xin chúc tất cả mẹ bầu đều có một thai kỳ khoẻ mạnh.