Caffein là gì?
Caffein được tinh chế thành công vào năm 1820, bởi nhà hoá học người Đức Friedlieb Ferdinand Runge khi ông đun các hạt cà phê đã rang và thu lại hơi nước sinh ra. Caffein là một chất màu trắng, đắng, xuất hiện tự nhiên trong hơn 60 loại thực vật như: hạt cà phê, lá trà và vỏ cacao (được sử dụng để làm sô cô la). Ngoài ra, caffein còn có trong các dược phẩm. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) coi caffein vừa là phụ gia thực phẩm vừa là thuốc.
Caffein với sức khỏe – Lợi hay hại?
Caffein được xem như là một trong những chất kích thích hưng phấn thần kinh, làm giảm mệt mỏi, tăng sự tỉnh táo hoặc tăng cường năng lượng. Ngoài ra, caffein còn giúp tăng khả năng nhận thức, khả năng ghi nhớ, tăng phản xạ và giúp tư tưởng minh mẫn hơn.
Caffein không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Trên thực tế, các bằng chứng gần đây cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn nếu uống từ một đến bốn tách cà phê mỗi ngày. Đồng thời caffein cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về não như Alzheimer và Parkinson.
Tuy nhiên Caffein có thể gây nghiện. Một số tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng quá nhiều caffein như: lo lắng, bồn chồn, run rẩy, nhịp tim không đều, mất ngủ hoặc khó ngủ. Quá nhiều caffein cũng có thể gây đau đầu, đau nửa đầu, tăng huyết áp, gây ảo giác, nôn hoặc có thể dẫn đến tử vong do co giật. Do đó, nên hạn chế lượng caffein tiêu thụ cùng một lúc ở mức 200mg mỗi lần.
Caffein có ảnh hưởng sức khỏe sinh sản không?
Từ năm 1990-2010, có khoảng 12 nghiên cứu khảo sát về sự tác động của caffein đến sức khỏe sinh sản ở nhiều nước trên thế giới. Đa số các kết quả đều ghi nhận caffein có xu hướng làm chậm khả năng mang thai ở phụ nữ, đặc biệt ở các đối tượng phụ nữ tiêu thụ >300mg caffein/ngày (tương đương hơn 3 tách cà phê/ngày). Ở nhóm phụ nữ tiêu thụ >500mg caffein/ngày thì nguy cơ chậm mang thai ở nhóm này lên đến 45% với thời gian chờ mang thai là >9.5 tháng.
Đối với nam giới, sử dụng cà phê nhiều sẽ làm tăng tỷ lệ vô sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tinh trùng. Trường hợp vợ chồng muốn thụ thai nhưng có thói quen uống cà phê nhiều thì sẽ bị ngăn cản quá trình rụng trứng vào tử cung ảnh hưởng đến quá trình đậu thai.
Ngoài ra, đối với các phụ nữ mang thai caffein có thể dễ dàng vượt qua nhau thai, có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Phụ nữ mang thai nên hạn chế lượng tiêu thụ ở mức 200mg/ngày.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa caffein và các vấn đề về khả năng sinh sản. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý đến lượng caffein tiêu thụ. Lượng tiêu thụ caffein an toàn của một người là khoảng 200mg – 300mg mỗi ngày trong giai đoạn chuẩn bị có con. Lượng này tương đương với hai tách cà phê với trọng lượng 8oz (khoảng 250ml) cho một lần pha.
Nếu bạn đang có ý định muốn có con và có thói quen uống nhiều hơn lượng đề nghị này thì hãy cân nhắc đến việc giảm lượng cafein tiêu thụ mỗi ngày của mình nhé!