Khi mang thai hẳn mẹ bầu có rất nhiều băn khoăn và cân nặng của bé yêu có lẽ là nỗi bận tâm lớn nhất của các mẹ. Có thể nói đây là thước đo tổng quan nhất về sự phát triển của con trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu mong muốn thai nhi được phát triển tốt thì cần hiểu rõ hơn về sự phát triển cân nặng thai nhi trong bụng mẹ hay những yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi. Bài viết sau đây IVFMD sẽ cùng mẹ tìm hiểu nhé.
Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi
Trong thời kỳ thai nghén, những thực phẩm mẹ ăn vào cơ thể là nguồn dinh dưỡng chủ yếu để bé tiếp nhận và phát triển. Nên các mẹ bầu cần có 1 chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và đầy đủ dưỡng chất để bé có điều kiện phát triển tối ưu.
Yếu tố di truyền
Một số nghiên cứu khoa học cho rằng yếu tố di truyền từ bố mẹ ảnh hưởng tới 23% vóc dáng của trẻ. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố chính quyết định đến sự phát triển của con trong suốt thai kỳ.
Sức khoẻ của mẹ
Khi mang thai mẹ bầu cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Với 1 cường độ công việc hằng ngày quá lớn, tinh thần căng thẳng, mệt mỏi kèm theo các triệu chứng nghén, ăn uống thiếu dưỡng chất cũng làm cho mẹ tăng cân không đủ, em bé sinh ra bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Hoặc mẹ có đái tháo đường thai kỳ hay béo phì, tăng cân nhanh thì thai nhi cũng sẽ có cân nặng lớn hơn so với các em bé khác.
Bất thường dây rốn, bánh nhau
Bánh nhau chứa các hồ huyết cung cấp chất dinh dưỡng của mẹ cho bé. Dây rốn có nhiệm vụ vận chuyển chất dinh dưỡng từ bánh nhau đến thai nhi. Nếu chức năng của bánh nhau bị suy giảm hay dây rốn bị bất thường thì quá trình trao đổi chất từ mẹ đến bé sẽ bị giảm. Thai nhi không nhận đủ chất dinh dưỡng từ mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và cân nặng.
Bí quyết để thai nhi phát triển khoẻ mạnh
Để con phát triển khoẻ mạnh, mẹ bầu cần có 1 chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và luôn giữ tinh thần thoải mái. Mẹ không nên làm việc quá sức, phải đảm bảo 1 ngày ngủ đủ 8 giờ và nên nghỉ trưa 30 phút đến 1 giờ. Tuy nhiên nằm yên 1 chỗ cũng không phải là giải pháp tối ưu cho sự phát triển của con. Mẹ vẫn nên vận động nhẹ nhàng bằng cách làm việc nhà, tránh nghỉ ngơi thụ động vì như vậy sẽ làm lượng máu tuần hoàn trong cơ thể kém đi. Tình trạng này kéo dài sẽ dễ bị tê bì chân tay và chuột rút ở những tháng cuối thai kỳ.
Thực đơn của mẹ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của con nên mẹ cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, … Ngoài ra mẹ cần thường xuyên ăn nhiều rau xanh và trái cây để tránh táo bón và cung cấp đầy đủ vitamin cùng khoáng chất cần thiết cho con.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng mà mẹ cần duy trì trong suốt thai kỳ là thăm khám và siêu âm định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để biết được tình trạng sức khoẻ của con và kịp thời thay đổi khi cân nặng con chưa đạt chuẩn.
Trường hợp bé nhẹ cân mẹ bầu cần nhanh chóng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn theo sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ hoặc NVYT. Tăng cường lượng thức ăn nhưng vẫn phải đảm bảo cân bằng chất dinh dưỡng để con được phát triển toàn diện. Ngoài ăn đủ chất mẹ cần uống đủ nước từ 2-2.5l mỗi ngày để tăng nhu động ruột trong cơ thể giúp thức ăn tiêu hoá tốt hơn. Nếu việc nhồi nhét 1 lượng lớn thức ăn cùng 1 lúc làm mẹ mệt mỏi thì mẹ cũng có thể chia nhỏ thành 5-6 bữa thay vì ăn tập trung 3 bữa chính để giảm bớt cảm giác chán ăn
Nếu trẻ thừa cân hoặc mẹ tăng cân quá nhiều, mẹ nên hạn chế thức ăn ngọt, giảm tinh bột trong khẩu phần ăn của mình và thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, tập yoga bầu khoảng 30 phút/ ngày để thay đổi cân nặng và giúp mẹ dễ sinh hơn sau này.
Mang thai sinh con là hành trình ý nghĩa đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe khác nhau. Vì vậy, mẹ cần chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc bản thân và theo dõi cân nặng thai nhi để bé có thể phát triển khỏe mạnh. Hy vọng những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp các mẹ có những lựa chọn tốt nhất cho mình và bé yêu cùng có 1 thai kỳ an vui.