5 YẾU TỐ GIÚP TĂNG TIẾT SỮA MẸ

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo và phù hợp nhất đối với sự phát triển của trẻ. Đây là phương pháp dinh dưỡng tự nhiên và tuyệt đối an toàn cho trẻ. Tuy nhiên việc nuôi con bằng sữa mẹ không phải lúc nào cũng diễn ra được suôn sẻ, việc phải đối mặt với vấn đề làm sao đủ sữa cho con và làm cách nào để tăng bài tiết sữa có hiệu quả làm nhiều bà mẹ trở nên đau đầu là không thể nào tránh khỏi. Vậy có những biện pháp nào để hỗ trợ bài tiết sữa hiệu quả cho bé? Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua một vài biện pháp dưới đây.

1. Như thế nào là cho con bú đúng?  

Sau đây là những lưu ý các mẹ cần lưu ý khi cho con bú: 

  • Bú sớm trước 30 phút sau sinh
  • Bú hoàn toàn 6 tháng đầu, không ăn thêm bất cứ thứ gì khác
  • Bú theo nhu cầu của trẻ không kể ngày đêm, ít nhất 8 lần/24 giờ
  • Trẻ cần bú hết sữa đầu và sữa cuối
  • Cho trẻ bú cạn một bên vú rồi mới chuyển sang bên còn lại
  • Cai sữa khi trẻ 18 – 24 tháng hoặc lâu hơn nếu có thể

2. Tư thế cho con bú đúng được thực hiện như thế nào?

  • Tư thế mẹ và con thoải mái: Trẻ được bế áp sát vào lòng mẹ. Mẹ đỡ toàn thân trẻ
  • Đầu và thân trẻ nằm trên một đường thẳng, đầu trẻ đối diện với vú mẹ
  • Trẻ ngậm bắt vú tốt: miệng trẻ mở rộng, môi dưới hướng ra ngoài, ngậm miệng sâu hết quầng vú, cằm trẻ tì vào vú mẹ, má trẻ căng phồng

3. Mẹ bỉm nên ăn, uống như thế nào để có nhiều sữa?

Trong thời kỳ cho con bú, các bà mẹ cần tăng thêm khoảng 550 calo trong chế độ ăn so với bình thường. Chế độ ăn đủ các chất dinh dưỡng bao gồm:

  • Glucid: Gạo, mì, ngô, khoai, sắn, ….
  • Protein: Thịt nạc, thịt gia cầm, thịt lợn, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt và các loại đậu.
  • Lipid: dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá,…
  • Rau xanh và hoa quả chín theo mùa để cung cấp đủ vitamin

Một số món ăn cổ truyền như chân giò, gạo nếp, củ sen, đu đủ cũng có tác dụng tốt. Tuy nhiên nên ăn mức độ vừa phải và đa dạng cách chế biến để mẹ có cảm giác ngon miệng và không thấy ngán.

Hạn chế đồ ăn có nhiều gia vị gây mùi như hành, tỏi vì trẻ sẽ bú kém. Không nên ăn kiêng khem quá mức. Cần uống đủ nước. Đây là điều kiện cần thiết để có thể có đủ lượng sữa.

4. Những chất có thể gây mất sữa mẹ bỉm nên biết

Trong thời kỳ cho con bú mẹ bỉm không được sử dụng các chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá …Nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc qua sữa dễ gây ngộ độc cho trẻ và một số loại thuốc có khả năng làm giảm tiết sữa: thuốc tránh thai có Estrogen, thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid. Mẹ bỉm cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

5. Chế độ vận động dành cho mẹ.

Trong thời kỳ hậu sản, mẹ bỉm không nên lao động quá sức và cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; tuy nhiên mẹ bỉm cùng cần kết hợp các bài tập thể dục để duy trì sức khỏe thể chất và có tinh thần thoải mái hơn. Dưới đây là một vài lưu ý mà mẹ bỉm nên nhớ trong lúc tập: 

  • Chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát.
  • Chọn chiếc áo ngực vừa vặn, không quá rộng hay chật, đảm bảo nâng đỡ tốt để bảo vệ vòng 1.
  • Luôn có sẵn nước uống trong quá trình tập luyện.
  • Nghỉ ngơi tối thiểu 5 phút sau khi tập để ổn định nhịp tim và nhịp thở.
  • Nếu đang cho con bú, mẹ nên cho bé bú hoặc vắt sữa trước khi tập để tránh tình trạng ngực căng sữa gây khó chịu.
  • Cần kiên nhẫn tập luyện một cách từ từ, không gắng sức vì cơ thể cần hồi phục sau quá trình vượt cạn.
  • Luôn khởi động kỹ lưỡng để các cơ được kích hoạt và sẵn sàng cho việc vận động.

Sự tiết sữa phụ thuộc nhiều vào tinh thần của mẹ vì vậy mẹ cần phải thoải mái, tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu sự tiết sữa của bạn trở nên quá khó khăn thì hãy mạnh dạn gặp chuyên gia để được tư vấn và cùng hỗ trợ. Vì vậy, Hệ thống IVFMD mong rằng bài viết này sẽ là giải pháp giúp các gia đình giải quyết được phần nào nỗi muộn phiền trong việc nuôi con bằng sữa mẹ có hiệu quả.

Tác giả: ĐD. Nguyễn Thị Lan Anh – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột