BUỒNG TRỨNG LÀ GÌ? VỊ TRÍ, CẤU TẠO VÀ CHỨC NĂNG RA SAO?

Buồng trứng là một trong những cơ quan sinh sản ở nữ giới. Là nơi tiết ra các nội tiết tố nữ quyết định giới tính sinh dục nữ. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết sau đay nha.

Vị trí của Buồng trứng ở đâu?

Buồng trứng là tuyến sinh dục ở nữ giới. Trên cơ thể phụ nữ có hai buồng trứng: một bên phải và một bên trái.

Vị trí của buồng trứng nằm hai bên tử cung, áp vào thành bên của chậu hông, được treo lơ lửng trong ổ phúc mạc nhờ một hệ thống dây chằng.

Buồng trứng có cấu tạo như thế nào?

Buồng trứng có màu hồng nhạt, hình hạt đậu dẹt, kích thước khoảng 1 cm bề dày, 2 cm bề rộng và 3 cm bề cao. Nặng từ 4-8 gram, trọng lượng có thể thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Buồng trứng là một trong những cơ quan sinh sản ở nữ giới

Trên cơ thể người phụ nữ Buồng trứng có chức năng ?

Buồng trứng là một tuyến vừa ngoại tiết (để tiết ra trứng) vừa nội tiết (tiết ra các nội tiết tố nữ quyết định giới tính sinh dục nữ)

Chức năng ngoại tiết

  • Lúc mới sinh, bé gái có khoảng 2.000.000 nang noãn và đến dậy thì còn khoảng 300.000-400.000 nang noãn. Trong suốt thời kỳ sinh sản ở phụ nữ (khoảng 30 năm) chỉ có khoảng 400 nang noãn phát triển tới chín và xuất noãn hằng tháng, số còn lại bị thoái hoá.
  • Vào đầu chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, ở cả hai buồng trứng có khoảng 6-12 nang trứng phát triển dưới tác dụng của 2 hormone tuyến yên là FSH và LH. Các nang này không phát triển đều nhau, đến giữa chu kì kinh nguyệt nang phát triển sớm nhất sẽ chín sớm nhất, vỡ ra và phóng noãn. Trong độ tuổi sinh đẻ, mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường chỉ có một nang trứng chín và rụng. Tại nơi sau khi trứng rụng sẽ hình thành hoàng thể. Nếu trứng được thụ tinh, hoàng thể tiếp tục tiết ra estrogen và progesterone trong 3 tháng đầu của thai kỳ để nuôi dưỡng thai. Nếu không sảy ra sự thụ tinh, hoàng thể thoái hoá và trở thành thể trắng, không tiết nội tiết nữa làm bong tróc niêm mạc tử cung tạo kinh nguyệt ở phụ nữ.
  • Ngày phóng noãn thường cách ngày có kinh sau 13-14 ngày. Trong đường sinh dục nữ, thời gian sống của noãn sau khi rụng là 24 – 48 giờ.

Vai trò của Estrogen

  • Ở tuổi dậy thì, Estrogen làm xuất hiện và duy trì đặc tính nữ
  • Trong chu kỳ kinh nguyệt, kích thích sự phát triển các tuyến niêm mạc tử cung
  • Kích thích các tuyến của âm đạo bài tiết dịch acid ngăn ngừa sự nhiễm trùng. Estrogen làm biểu mô âm đạo thay đổi từ dạng khối thành dạng tầng, cấu trúc biểu mô tầng này vững chắc hơn, tăng khả năng chống đỡ của âm đạo với các chấn thương từ bên ngoài.
  • Tác dụng lên tuyến vú: làm phát triển hệ thống ống tuyến, phát triển mô đệm, tăng lắng đọng mỡ ở mô vú.
  • Tác dụng lên xương: tăng hoạt động của tế bào tạo xương phát triển và cốt hoá các xương dài, làm nở rộng xương chậu, tăng lắng đọng muối canxi ở xương giúp xương chắc hơn
  • Tác dụng lên chuyển hoá: tăng tổng hợp protein ở các mô đích như tử cung, tuyến vú, xương, làm lắng đọng mỡ ở da, ngực và đùi…
  • Tác dụng lên chuyển hoá muối nước: estrogen gây giữ ion Na, giữ nước. Tác dụng này thấy rõ ở phụ nữ có thai.

Vai trò của Progesterone

  • Giúp phát triển tuyến vú.
  • Tác dụng lên chuyển hoá muối nước: làm tăng hấp thu ion Na+, Cl và nước trên ống lượn xa ở thận.
  • Làm tăng thân nhiệt ở nữa sau chu kì kinh nguyệt (0 – 0,5 0C).
  • Làm phát triển niêm mạc tử cung. Làm giảm co bóp tử cung
  • Tác dụng lên vòi trứng: progesterone kích thích niêm mạc vòi trứng bài tiết dịch chứa chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng trứng đã thụ tinh trong quá trình di chuyển vào buồng tử cung để làm tổ thuận lợi, do vậy progeterone được gọi là hormone dưỡng thai.