Béo phì là một vấn đề sức khỏe toàn cầu ngày càng được quan tâm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) miêu tả béo phì là một đại dịch với tỷ lệ mắc phải ở nữ cao hơn nam. Phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, béo phì khi mang thai được đưa vào nhóm nguy cơ cao cần theo dõi cẩn thận vì nhiều biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về béo phì và những ảnh hưởng trong thai kỳ nhé!
Định nghĩa béo phì
Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), thừa cân được định nghĩa là có chỉ số BMI từ 25 đến 29,9. Béo phì được định nghĩa là có chỉ số BMI từ 30 trở lên. Trong danh mục béo phì chung, có 3 cấp độ phản ánh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là:
- Béo phì loại I: BMI từ 30 đến 34,9
- Béo phì loại II: BMI từ 35 đến 39,9
- Béo phì loại III: BMI từ 40 trở lên
Công cụ tính BMI trực tuyến: https://www.nhlbi.nih.gov/health/educational/lose_wt/BMI/bmicalc.htm
Ảnh hưởng của béo phì đối với thai phụ
Béo phì khi mang thai sẽ gây ra một số nguy cơ về sức khỏe như:
- Tăng huyết áp khi mang thai: Huyết áp cao bắt đầu trong nửa sau thai kỳ gọi là tăng huyết áp khi mang thai.
- Tiền sản giật: Tiền sản giật là một dạng tăng huyết áp thai kỳ nghiêm trọng. Tiền sản giật thường xảy ra vào nửa sau thời kỳ mang thai hoặc ngay sau khi mang thai. Các dấu hiệu bao gồm: lượng protein bất thường trong nước tiểu, bất thường chức năng gan hoặc thận, đau vùng bụng trên, có dịch trong phổi, đau đầu dữ dội hoặc thay đổi thị lực. Trong một số ít trường hợp, co giật, đau tim và đột quỵ có thể xảy ra. Ngoài ra, tiền sản giật còn có thể ảnh hưởng đến các vấn đề với nhau thai, tăng trưởng của thai nhi và sinh non.
- Đái tháo đường thai kỳ bắt đầu trong thời kỳ mang thai: Nồng độ đường huyết cao khi mang thai làm tăng nguy cơ em bé quá to dẫn đến khó sinh, tăng tăng khả năng sinh mổ. Nếu mẹ bầu bị đái tháo đường trong thai kỳ thì nguy cơ mẹ bầu và em bé có đái tháo đường trong tương lai về sau là rất cao.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Đây là tình trạng một người ngưng thở trong thời gian ngắn trong lúc ngủ. Khi mang thai, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây mệt mỏi và tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật cũng như các vấn đề về tim phổi.
Ảnh hưởng của béo phì đối với thai kỳ
- Dị tật bẩm sinh: Trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh như dị tật tim và dị tật ống thần kinh.
- Khó khăn trong theo dõi và chẩn đoán: Thai phụ béo phì có quá nhiều mỡ trong cơ thể có thể gây khó khăn trong việc phát hiện một số vấn đề về hình thái của thai nhi khi siêu âm. Việc theo dõi và kiểm tra nhịp tim của thai nhi trong quá trình chuyển dạ cũng khó khăn hơn.
- Thai nhi lớn hơn bình thường (thường nặng hơn 4.000 gram): Điều này có khả năng tăng nguy cơ sinh khó và chấn thương khi sinh. Ví dụ, vai của bé có thể bị kẹt trong quá trình sanh. Thai to cũng làm tăng nguy cơ sanh mổ. Ngoài ra, thai phụ béo phì thì trẻ sơ sinh sinh ra cũng có thể có nhiều mỡ trong cơ thể và nhiều khả năng bị béo phì sau này.
- Sinh non: Sinh non là tình trạng sinh bé trước tuần 37 của thai kỳ. Các vấn đề liên quan đến thai phụ béo phì như tiền sản giật, sản giật có thể dẫn đến sinh non.
- Thai lưu: Thai phụ béo phì có chỉ số BMI càng cao thì nguy cơ thai lưu sẽ càng cao.
Ảnh hưởng của béo phì đến quá trình chuyển dạ và sinh nở
Trong quá trình theo dõi chuyển dạ, thai phụ béo phì có thời gian chuyển dạ dài hơn những thai có cân nặng trong giới hạn bình thường. Việc theo dõi thai nhi trong quá trình chuyển dạ cũng có thể khó khăn hơn, dẫn đến việc tăng khả năng sinh mổ.
Khi sinh mổ, thai phụ béo phì sẽ có nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và các biến chứng khác cho mẹ cao hơn so với thai phụ có cận nặng trong giới hạn bình thường.
Giảm cân trước khi mang thai là cách tốt nhất để giảm các nguy cơ về béo phì nêu trên. Nếu bạn thừa cân, việc giảm cân dù chỉ một chút cũng có thể cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn và mở đường cho một thai kỳ khỏe mạnh. Bạn có thể cần ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn lên kế hoạch cho một chế độ luyện tập và ăn uống lành mạnh.