Axit folic là một vi chất không thể thiếu trong thai kỳ để giúp phòng ngừa các dị tật bẩm sinh lớn, đặc biệt là dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Do đó phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến cáo nên bổ sung axit folic kể từ khi có kế hoạch mang thai. Bài viết sau đây IVFMD xin gửi đến thông tin về vai trò, lợi ích và một số lưu ý khi sử dụng axit folic.
1. Vai trò của Axit folic trong thai kỳ?
- Axit folic là một loại vitamin nhóm B rất quan trọng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, sức khỏe thai phụ
- Axit folic có thể giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh lớn về não và cột sống được gọi là dị tật ống thần kinh (NTDs) – phổ biến thứ hai sau dị tật tim biểu hiện như chẻ đôi đốt sống, không có xương sọ não và não bộ
- Thiếu axit folic làm gia tăng nguy cơ hẹp thực quản, tim bẩm sinh, hở hàm ếch, thoát vị rốn ở thai nhi
- Ngoài ra, bổ sung đầy đủ axit folic phòng ngừa bệnh thiếu máu ở mẹ và giảm nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ
- Bổ sung axit folic trong thời kỳ chuẩn bị mang thai và đầu thai kỳ là rất quan trọng, có thể ngăn ngừa 40–80% các khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống. Do ống thần kinh hình thành trong bốn tuần đầu của thai kỳ, nên tác dụng bảo vệ của việc bổ sung axit folic sẽ giảm đi sau khi ống thần kinh đóng lại.
2. Bổ sung axit folic như thế nào?
Axit folic là dạng Folate tổng hợp tự nhiên, vì vậy bổ sung nhiều loại thực phẩm khác nhau trong chế độ ăn mỗi ngày có thể cung cấp đủ axit folic và cân bằng được các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Một số loại thực phẩm cung cấp axit folic mẹ bầu cần biết như:
- Các loại đậu: đậu cô ve, đậu hà lan, đậu lăng,… Một chén (198 gram) đậu lăng nấu chín chứa 358 mcg folate.
- Một quả trứng chứa khoảng 22 mcg folate.
- Các loại rau xanh: rau bina, rau diếp cá, xà lách, cải xoăn,… Một chén (30 gam) rau bina sống cung cấp 58,2 mcg folate.
- Các loại trái cây: cam, quýt, bơ, đu đủ, chuối,… Một nửa quả bơ chứa 82 mcg folate; một quả chuối trung bình có thể cung cấp 23,6 mcg folate,…
Thực tế, nguồn axit folic trực tiếp từ thực phẩm dễ bị mất đi trong quá trình chế biến và không dễ hấp thu qua đường ruột của mẹ. Vì vậy, để đảm bảo đủ nhu cầu, phụ nữ mang thai lưu ý bổ sung thêm các viên uống chứa axit folic để đạt được ngưỡng cần cung cấp. Khuyến nghị uống axit folic 400μg/ngày đối với phụ nữ có kế hoạch mang thai và 400- 600μg/ngày đối với thai phụ trong 3 tháng đầu.
3. Một số điểm lưu ý khi sử dụng axit folic
- Tránh uống axit folic với nước trà, cà phê, rượu vì sẽ làm giảm khả năng hấp thu.
- Vitamin C sẽ làm tăng khả năng hấp thụ axit folic, vì vậy nên uống kết hợp với nước cam, nước ép trái cây
- Uống axit folic thường hay bị táo bón nên cần uống nhiều nước và bổ sung nhiều chất xơ.
- Nên dùng axit folic một cách chính xác theo chỉ định của Bác sĩ. Không dùng với liều lượng lớn hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định
Hành trình làm mẹ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt các phương pháp bổ sung vi chất, chế độ ăn uống càng không thể thiếu. Trong đó, axit folic như một người bạn đồng hành với mẹ từ lúc mong con đến hết tam cá nguyệt I của thai kỳ để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Tuy nhiên cần có cách bổ sung khoa học và được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn sẽ tối ưu được hiệu quả mà axit folic mang lại.
Tác giả: NHS.Huỳnh Thị Ngọc My – Phòng khám sản Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận