TỤ MÁU DƯỚI MÀNG ĐỆM TRONG GIAI ĐOẠN THAI SỚM CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Tụ máu dưới màng đệm thường xảy ra trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ và gây nhiều lo lắng cho thai phụ. Những nguy cơ liên quan đến tụ máu gây ảnh hưởng đến thai kỳ như sẩy thai, sinh non vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về vấn đề “tụ máu dưới màng đệm trong thai kỳ” qua bài viết dưới đây nhé.

Tụ máu dưới màng đệm là gì?

Tụ máu dưới màng đệm là tình trạng xuất hiện vùng máu tụ nằm giữa lớp màng đệm và cơ tử cung, hậu quả của sự bong mép nhau hay vỡ các xoang mạch máu ở rìa nhau. Tụ máu dưới màng đệm còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: tụ máu dưới màng nuôi, tụ dịch màng đệm hoặc xuất huyết màng đệm.

Trường hợp siêu âm có tụ máu kết hợp mẹ bầu có triệu chứng đau bụng, ra huyết đỏ nhiều, có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Một vài nghiên cứu cho thấy sự phát triển quá mức của khối máu tụ ở dưới màng đệm sẽ tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu sớm, nhau bong non nếu không được can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân gây tụ máu dưới màng đệm

Tụ máu dưới màng đệm trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là đối với những mẹ bầu có điều trị hiếm muộn. Một số nguyên nhân chính bao gồm:

  • Nội tiết tố kém do sự thay đổi hormon trong điều trị hỗ trợ sinh sản có thể góp phần vào việc tạo ra tụ máu. 
  • Mẹ bầu phải di chuyển nhiều và vận động mạnh trong thai kỳ khiến cho bánh nhau bị bong.
  • Mẹ bầu mang thai muộn từ sau 35 tuổi.
  • Sự phát triển không bình thường của thai kỳ: Một số vấn đề liên quan đến sự phát triển không bình thường của thai nhi hoặc nhau thai có thể dẫn đến tụ máu dưới màng đệm
  • Có hoạt động tình dục và xuất tinh trong cũng có thể dẫn đến tụ dịch

Các yếu tố như: tiền sử sảy thai hoặc bất thường trong cấu trúc tử cung có thể làm tăng nguy cơ tụ máu

Điều trị tụ máu dưới màng đệm trong thai kỳ

 

Việc điều trị tụ máu dưới màng đệm trong thai kỳ thường bao gồm:

  • Theo dõi và nghỉ ngơi: Một trong những biện pháp quan trọng nhất là theo dõi tình trạng của mẹ bầu và thai nhi bằng siêu âm và các xét nghiệm khác (nếu cần). Nghỉ ngơi và giảm căng thẳng cũng là yếu tố quan trọng
  • Sử dụng thuốc: trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm tình trạng chảy máu và thuốc hỗ trợ thai kỳ.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cả mẹ bầu và thai nhi.
  • Theo dõi chặt chẽ: đối với những phụ nữ thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, việc theo dõi tình trạng thai kỳ thường xuyên là rất quan trọng. Bác sĩ sẽ quyết định tần suất kiểm tra dựa trên tình trạng cụ thể của từng người. Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, chẳng hạn như đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo, hoặc các triệu chứng khác.

Tụ máu dưới màng đệm làm mẹ bầu cảm thấy lo lắng, nhưng mức độ nguy hiểm của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: kích thước của tụ máu, vị trí của nó, và tình trạng sức khỏe tổng thể của mẹ bầu và thai nhi. Thông thường, tụ máu dưới màng đệm sinh lý xảy ra trong những tuần đầu tiên của thai kỳ không gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên; nếu mẹ bầu có tình trạng đau bụng và ra máu âm đạo; mẹ bầu cần đến khám bác sĩ để xác định tình trạng sức khỏe của em bé nhé. Chúc mẹ bầu có “một thai kỳ an vui”.