KHI NÀO CẦN KIỂM TRA SỨC KHỎE SINH SẢN?

Nhưng những năm gần đây, sức khỏe sinh sản là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tổng thể và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người. Việc duy trì sức khỏe sinh sản tốt không chỉ liên quan đến cuộc sống cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về sức khỏe sinh sản để chuẩn bị cho mình một sức khỏe toàn diện nhé!

Vậy khi nào cần khám sức khỏe sinh sản?

Trước đây, kiểm tra sức khỏe sinh sản chưa được mọi người quan tâm nhiều. Một phần là do việc kiểm tra sức khỏe sinh sản chưa được phổ biến, một phần là do suy nghĩ của mọi người cảm thấy chưa cần phải thăm khám vì chưa có nhu cầu.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) “Sức khỏe sinh sản là trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và hòa hợp xã hội về tất cả các phương diện liên quan đến hệ thống sinh sản trong suốt các giai đoạn của cuộc đời”.

Vậy nên, sức khỏe sinh sản cũng là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tổng thể và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người. Việc duy trì sức khỏe sinh sản tốt không chỉ liên quan đến cuộc sống cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh.

Khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn (khám tiền hôn nhân) được xem là bước đầu tiên trong hành trình hôn nhân. Đây là cơ hội để cặp đôi chia sẻ, quan tâm, chăm sóc cho nhau và cùng chuẩn bị nền tảng vững chắc cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nếu có ý định sinh bé, bạn nên thăm khám từ 3 – 6 tháng trước khi mang thai.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng có nhiều trường hợp kiểm tra sức khỏe sinh sản để lên kế hoạch cho việc bảo tồn khả năng sinh sản. Việc khám sức khỏe sinh sản không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với sức khỏe bản thân mà còn là trách nhiệm với người bạn đời và hạnh phúc trong tương lai.

 

Khi đi khám sức khỏe sinh sản, bạn sẽ khám những gì?

Tư vấn với bác sĩ

Đầu tiên, bạn sẽ được tư vấn trò chuyện cùng bác sĩ. Trong quá trình tư vấn, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử của bạn và gia đình bạn như bạn có đang điều trị về bệnh lý nào không, có từng mắc bệnh truyền nhiễm không, gia đình bạn có ai mắc các bệnh di truyền không,… Việc khai thác này giúp tầm soát và phát hiện bệnh lý liên quan đến vấn đề di truyền. Từ đó, bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm phù hợp để đánh giá các nguy cơ di truyền cho thế hệ sau và đưa ra hướng điều trị đúng cách.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Đối với nữ:

  • Siêu âm phụ khoa: Thông thường, nếu bạn siêu âm đầu dò âm đạo, bạn cần đi tiểu sạch trước khi siêu âm. Điều này giúp bác sĩ thuận lợi cho việc siêu âm các cấu trúc tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng. Trong trường hợp bạn chưa quan hệ, hãy báo với bác sĩ để bác lựa chọn phương pháp siêu âm phù hợp.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra về nội tiết tố nữ giới, tổng phân tích tế bào máu, miễn dịch, dự trữ buồng trứng, nhiễm sắc thể,…

Đối với nam:

  • Tinh dịch đồ: Đây là xét nghiệm đầu tay để đánh giá sức khỏe sinh sản của nam giới. Tinh dịch đồ sẽ giúp đánh giá số lượng và chất lượng tinh trùng. Hãy nhớ kiêng xuất tinh từ 2 – 7 ngày để có kết quả được chính xác nhất.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra tổng phân tích tế bào máu, miễn dịch, nội tiết tố nam giới, nhiễm sắc thể,…

Dựa trên kết quả của xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng sức khỏe sinh sản hiện tại của bạn. Qua đó, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ cung cấp thêm cho bạn những kiến thức về việc chuẩn bị cho việc mang thai, sinh con một cách an toàn và hiệu quả.

Chúng ta làm gì để duy trì và có 1 sức khỏe sinh sản khỏe mạnh?

  • Duy trì một lối sống lành mạnh: Thường xuyên luyện tập thể thao, duy trì mức cân nặng chuẩn, uống đủ nước, ăn nhiều rau, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế thức khuya, stress,…
  • Khám phụ khoa định kỳ: Đây là một việc cần thiết để phụ nữ bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của chính mình. Việc khám sức khỏe phụ khoa định kỳ sẽ giúp bạn chủ động phát hiện bệnh sớm, nhờ đó việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Giúp duy trì sức khỏe sinh sản và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Tiêm ngừa trước khi mang thai: Việc tiêm các loại vắc xin sẽ giúp giảm thiểu những nguy cơ gây bệnh cho cả bạn và bé sau này.

Khám sức khỏe sinh sản không chỉ là khi bạn gặp vấn đề về sức khỏe, mà còn là một phần quan trọng của việc duy trì và bảo vệ sức khỏe tổng thể của bản thân. Hãy cùng IVFMD đồng hành trên hành trình của bạn với sự tự tin và an tâm bởi vì sức khỏe là nền tảng của mọi hạnh phúc nhé!