Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt. Đồng thời tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, tăng tỷ lệ sinh mổ và trẻ có thể cần chăm sóc đặc biệt sau sinh bởi sức đề kháng yếu và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu về 6 lợi ích của việc tầm soát đái tháo đường trong điều trị hỗ trợ sinh sản.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Đái tháo đường được phân loại như sau:
- Đái tháo đường tuýp 1: là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Loại đái tháo đường này thường được chẩn đoán từ khi còn nhỏ và chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường.
- Đái tháo đường tuýp 2: xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không phản ứng hiệu quả với insulin được sản xuất. Những người thừa cân có nguy cơ cao mắc đái tháo đường loại 2, và bệnh này thường được chẩn đoán ở người trưởng thành.
- Tiền đái tháo đường: là giai đoạn trước khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường loại 2. Lúc này, lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng vẫn có thể được điều chỉnh.
- Đái tháo đường thai kỳ: là một dạng đái tháo đường phát triển trong thời kỳ mang thai.
Mối liên quan giữa bệnh lý đái tháo đường và các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thường có tỷ lệ sinh sản thấp hơn. Nhiều yếu tố liên quan đến bệnh có thể khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn, bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và béo phì. Phụ nữ mắc đái tháo đường thường gặp tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh, điều này ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng bình thường.
Phụ nữ mắc đái tháo đường loại 1 có nguy cơ mãn kinh sớm cao hơn, đồng nghĩa với việc khả năng sinh sản sẽ chấm dứt trước tuổi 40. Bệnh đái tháo đường cũng liên quan đến việc giảm số lượng và chất lượng trứng ở phụ nữ, cũng như làm giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Mang thai khi mắc bệnh đái tháo đường: việc thụ thai có thể khó khăn hơn đối với người mắc bệnh đái tháo đường, nhưng mang thai không phải là điều không thể. Phụ nữ kiểm soát tốt lượng đường huyết, duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên sẽ có khả năng thụ thai cao hơn. Khi đang cố gắng mang thai (TTC), bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hemoglobin A1c (HbA1c) để kiểm tra mức đường huyết trong vòng 2–3 tháng gần đây. Tùy vào kết quả, bác sĩ có thể khuyến nghị theo dõi đường huyết tại nhà để giữ mức đường ổn định.
6 lợi ích của việc tầm soát bệnh lý đái tháo đường.
- Cải thiện chất lượng trứng: việc kiểm soát đái tháo đường trước khi thực hiện hỗ trợ sinh sản có thể giúp cải thiện chất lượng trứng, từ đó tăng khả năng thụ thai trong quá trình điều trị.
- Tăng khả năng tiếp nhận phôi: mức đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của niêm mạc tử cung làm giảm khả năng tiếp nhận phôi
- Giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ: phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ (dù mắc đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2) có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ trong quá trình mang thai. Tầm soát đái tháo đường trước khi thực hiện hỗ trợ sinh sản giúp phát hiện các dấu hiệu mắc đái tháo đường sớm, từ đó giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng đái tháo đường thai kỳ.
- Giảm nguy cơ biến chứng cho mẹ và thai nhi: việc kiểm soát tốt đường huyết trước khi điều trị hỗ trợ sinh sản sẽ giảm được các biến chứng trong thai kỳ như tiền sản giật, sinh non, thai nhi phát triển không bình thường…
- Xác định các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn: tầm soát đái tháo đường không chỉ phát hiện đái tháo đường mà còn giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ khác liên quan đến sức khỏe, chẳng hạn như cao huyết áp, thận. Điều này giúp bác sĩ có kế hoạch điều trị toàn diện hơn giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề khi điều trị hỗ trợ sinh sản
- Tối ưu hóa kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản: đảm bảo mức đường huyết kiểm soát tốt trước khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ sinh sản giúp tối ưu hóa các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thụ thai bao gồm: chất lượng trứng, quá trình rụng trứng, sự phát triển của phôi.
3 xét nghiệm tầm soát đái tháo đường phổ biến hiện nay
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói (Fasting Blood Glucose – FBG): Kiểm tra mức đường huyết sau khi nhịn ăn qua đêm.
- Xét nghiệm HbA1c: Đánh giá mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng qua, giúp xác định mức độ kiểm soát đái tháo đường của bệnh nhân.
- Xét nghiệm dung nạp glucose (OGTT): Kiểm tra khả năng cơ thể xử lý glucose trong một khoảng thời gian nhất định.
Tầm soát đái tháo đường trước khi điều trị hỗ trợ sinh sản là vấn đề rất quan trọng. Nếu anh, chị đang có ý định thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ hệ thống IVFMD để được tư vấn kỹ hơn nhé.