TẠI SAO CÓ DẤU HIỆU MANG THAI NHƯNG VẪN CHUYỂN PHÔI THẤT BẠI?

Mang thai và sinh con luôn là điều tuyệt diệu đáng mong đợi với hầu hết các ông bố bà mẹ. Do vậy, đôi khi người phụ nữ tin rằng mình có thai dựa và một số dấu hiệu giống có thai. Thế nhưng, có một số trường hợp người phụ nữ có rất nhiều dấu hiệu phổ biến khi mang thai như mệt mỏi, ốm nghén, thèm ăn … nhưng lại không có thai khiến họ lo lắng, hoang mang. Vậy tại sao có dấu hiệu mang thai nhưng vẫn không có thai? Và bạn đang gặp phải tình trạng như vậy, hãy cùng IVFMD tìm hiểu thông tin qua bài viết này nhé.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất hiện nay. Bất kỳ giai đoạn nào trong thụ tinh trong ống nghiệm cũng rất quan trọng nhưng chắc hẳn giai đoạn sau chuyển phôi là khoảng thời gian khiến nhiều chị em lo lắng và hy vọng nhất. Bởi đây là thời điểm kết thúc cả quá trình thụ tinh để biết được kết quả có thành công hay không? Đồng thời các triệu chứng được cho là “đặt biệt” được các mẹ truyền tai nhau rất nhiều khiến cho mọi người có tâm lý lo lắng, hoang mang thậm chí hụt hẫng khi cảm thấy bản thân có các dấu hiệu đặc biệt đó nhưng vẫn thất bại trong điều trị.

 

Chuyển phôi là gì?

Chuyển phôi là một thủ thuật đặc biệt quan trọng trong quy trình thụ tinh ống nghiệm (IVF), trong đó sau một thời gian nuôi cấy, phôi sẽ được đưa vào tử cung của người mẹ để phát triển thành thai nhi. Những phôi thai này có thể nuôi đến ngày 3 hoặc ngày 5 trước khi được cấy và có thể là phôi tươi mới tạo ra hoặc phôi trữ lạnh (phôi trữ – phôi được bảo quản đông lạnh sau khi thụ tinh trong ống nghiệm để lưu trữ trong thời gian dài thay vì đưa luôn vào cơ thể mẹ).

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ dày niêm mạc, chất lượng phôi… của người phụ nữ mà bác sĩ sẽ tư vấn, chỉ định nên chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ. Đồng thời bác sĩ sẽ tư vấn số lượng phôi chuyển thường cấy từ 1 đến 2 phôi vào tử cung nhằm đảm bảo tỷ lệ thành công.

Kỹ thuật chuyển phôi được thực hiện từ ngày 18 đến 20 của chu kỳ kinh nguyệt. Khi niêm mạc tử cung đã đạt chuẩn về độ dày, hình ảnh. Sức khỏe và tinh thần của mẹ cũng đã sẵn sàng cho việc mang thai.

Sau 1-5 ngày chuyển phôi, phôi thai sẽ di chuyển, bám vào nội mạc tử cung người mẹ để làm tổ và phát triển. Trong thời gian này, các chị em nên theo dõi và chăm sóc sức khỏe cẩn thận.

Chuyển phôi

Tại sao có dấu hiệu mang thai nhưng vẫn chuyển phôi thất bại?

Sau 14 ngày chuyển phôi, để xác định xem phôi có làm tổ thành công hay không, chị em cần làm xét nghiệm máu đo nồng độ hormone Beta hCG. Thời gian này sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu có thể có sau chuyển phôi giúp người mẹ biết được mình có thai hay chưa? Ví dụ như: chướng bụng, đi tiểu nhiều, căng tức ngực, ra máu báo, âm đạo ra huyết trắng, cơ thể mệt mỏi nôn nao, nhiệt độ cơ thể tăng cao…Tuy nhiên việc sử dụng các “dấu hiệu mang thai” để khẳng định mình mang thai là điều chưa chắc chắn. Bởi vì trong suốt quá trình sau chuyển phôi thông thường sẽ được bác sĩ cho sử dụng thuốc hỗ trợ hoàng thể (trừ phác đồ điều trị bằng chu kỳ tự nhiên – sử dụng nội tiết vốn có của cơ thể để hỗ trợ cho quá trình sau chuyển phôi) thì thông thường các thuốc này sẽ có thành phần là progesterone. Đây là thuốc nội tiết nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ như:

  • Đau bụng, táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn
  • Ho, bị nhiễm trùng đường hô hấp
  • Ngực to, đau ngực
  • Xuất hiện tình trạng tiểu đêm, gặp các vấn đề về tiết niệu, bị đau đáy chậu, dịch âm đạo,…
  • Nhức đầu, chóng mặt, hay buồn ngủ
  • Thay đổi cảm xúc, trầm cảm, giấc ngủ bị rối loạn, không hứng thú với tình dục.
  • Đau lưng, đau cơ, đau khớp.
  • Người bệnh có thể đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm.
Một số triệu chứng nhầm lẫn mang thai

Một số các triệu chứng trong tác dụng phụ của thuốc nội tiết khiến cho các chị em lầm tưởng đó là dấu hiệu của việc mang thai. Và khi đến ngày thử Beta hCG âm tính hoặc kết quả dưới 25 mUI/ml khiến cho chị em bị hụt hẫng, buồn rầu và thậm chí thất vọng nặng nề vì kết quả không như mong đợi.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khác khi người phụ nữ rất mong muốn có con, cơ thể cũng sẽ xuất hiện các dấu hiệu mang thai như: buồn nôn, bụng ngực to lên, thậm chí là cảm giác thai nhi đang di chuyển trong bụng. Sau đó, bộ não của người phụ nữ đó phân tích “nhầm”, cho rằng đó là do mang thai. Như vậy, rõ ràng các dấu hiệu mang thai này xuất phát từ hiện tượng tâm lý (sự mong chờ quá mức) dẫn đến sự sai lầm trong hoạt động của não bộ để dẫn đến các biểu hiện giống như có thai.

Thoải mái tinh thần là yếu tố quyết định thành công sau chuyển phôi

Ngoài ra cũng có rất nhiều trường hợp các mẹ không có “dấu hiệu của mang thai” nhưng vẫn có kết quả thành công. Vậy nên điều quan trọng nhất các chị em cần thoải mái tinh thần không nên quá lo lắng và chú trọng vào các dấu hiệu vì yếu tố tâm lý góp phần rất lớn đến thành công của một chu kỳ chuyển phôi. Chuyển phôi thất bại là điều mà không có cặp vợ chồng nào mong muốn nhưng hãy cố gắng rồi chúng ta sẽ sớm đón được con yêu. “Cuối đường hầm chắc chắn rằng có ánh sáng dành cho người đi đến cuối cùng”.