SAU CHUYỂN PHÔI BAO NHIÊU TUẦN THÌ CÓ TIM THAI? 

Tim thai hình thành và phát triển bình thường là tín hiệu tốt đối với sự phát triển của bé. Chuyển phôi là một trong những bước quan trọng trong quá trình thụ tinh ống nghiệm. Vì thế với cha mẹ, tim thai không chỉ là dấu hiệu phản ánh sức khỏe mà còn là hạnh phúc khi lần đầu cảm nhận được một mầm sống bé nhỏ đang lớn lên mỗi ngày. Vậy sau chuyển phôi bao nhiêu tuần sẽ có tim thai và khi nào mẹ sẽ nghe thấy nhịp tim con. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu bài viết dưới đây bạn nhé!

Sau chuyển phôi bao nhiêu tuần thì có tim thai?

  • Sau khi chuyển phôi khoảng 14 ngày thì quá trình thụ thai thành công, lúc này bạn sẽ được chỉ định thử thai ßhCG bằng máu để biết chắc chắn mình đã có thai. Vào giai đoạn này, các mẹ bầu cần phải hết sức chú ý đến vấn đề chăm sóc sức khỏe bản thân để phôi thai có thể làm tổ và phát triển khỏe mạnh nhất.
  • Thông thường, các chị sẽ được hẹn siêu âm lần đầu tiên vào khoảng 3 tuần sau khi xét nghiệm ßhCG, tức khoảng tuần thứ 6 hoặc thứ 7 của thai kỳ. Một số trường hợp, các chị sẽ được hẹn siêu âm sớm hơn dựa vào tiền căn bất thường về thai kỳ trước đó.
  • Vì sao bác sĩ hẹn các mẹ đi siêu âm vào khoảng tuần thứ 6 – 7 của thai kỳ? Vì đây là thời điểm các mẹ bầu có thể cảm nhận được âm vang của nhịp tim thai qua siêu âm . Đây cũng là thời điểm mà bác sĩ sẽ thông báo số lượng túi thai và đánh giá các dấu hiệu khác để biết thai có phát triển bình thường hay bất thường cho mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm 7 tuần chưa xác định được tim thai, bác sĩ có thể sẽ chỉ định ngày tái khám để đánh giá lại và chẩn đoán chính xác hơn cho mẹ bầu.
  • Sau lần siêu âm đầu tiên, các chị sẽ được hẹn những lần siêu âm tiếp theo. Những lần siêu âm này sẽ được thực hiện vào khoảng tuần thứ 8 đến tuần thứ 9 của thai kỳ và sau đó là tuần thứ 12 và tiếp tục tái khám theo hẹn các mốc thai kỳ tiếp theo. Tất cả những lần siêu âm thai trước 12 tuần sẽ được thực hiện qua ngả âm đạo để có được hình ảnh rõ ràng và chính xác nhất. Siêu âm qua ngả âm đạo hoàn toàn an toàn cho thai nhi. Những mốc siêu âm này là giai đoạn quan trọng để đánh giá quá trình phát triển thai kỳ. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể đưa ra xử trí kịp thời.
  • Các nguyên nhân chưa ghi nhận tim thai trên siêu âm tại thời điểm 7 tuần: do kỹ thuật (do thiết bị siêu âm, siêu âm ngả bụng hoặc siêu âm ngả âm đạo), thai chậm phát triển, thai ngưng tiến triển hay sẩy thai…

 

Nhịp tim thai như thế nào được cho là bình thường?

Ngoài thắc mắc mấy tuần có tim thai thì câu hỏi nhịp tim thai như thế nào là bình thường và bất thường? Cũng được hầu hết các chị quan tâm tìm hiểu. Nhịp đập của tim thai được đánh giá là khỏe mạnh, phát triển bình thường sẽ dao động trong khoảng 120 – 160 nhịp/  phút. Khi bé chuyển động, đạp vào bụng mẹ, nhịp tim có thể lên tới 180 nhịp/ phút. Nếu trường hợp tim thai đập dưới 110 nhịp/ phút hay vượt quá 180 nhịp/ phút các chị cần theo dõi sát thai kỳ và tái khám theo hướng dẫn bác sĩ. Nhịp tim thai có thể thay đổi bởi tình trạng sức khỏe, bệnh lý đi kèm của người mẹ.

Mẹ bầu cần làm gì để con mạnh khỏe?

Mang thai là một hành trình khó khăn tuy nhiên giữ gìn thai kỳ khỏe mạnh còn là quá trình khó khăn hơn gấp nhiều lần. Vì thế các chị có thể tham khảo những gợi ý sau đây để có những biện pháp chăm sóc cơ thể giúp thai kỳ luôn khỏe mạnh cho đến khi bé chào đời:

  • Bổ sung axit folic trước và trong quá trình mang thai giúp ngăn ngừa bệnh tim bẩm sinh cho con.
  • Nếu mẹ bầu bị bệnh đái tháo đường type 2 hoặc đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi và kiểm tra lượng đường trong máu suốt thời gian thai kỳ, vì đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé.
  • Nếu có sử dụng bất kì loại thuốc nào cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh làm ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Không được sử dụng rượu và các chất kích thích có hại cho sự phát triển của thai nhi.
  • Việc theo dõi thai nhi vô cùng quan trọng bởi nó phản ánh tình trạng sức khỏe của thai nhi. Chính vì vậy, mẹ bầu cần khám thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển thai nhi theo lịch hẹn bác sĩ hoặc khi có triệu chứng bất thường.

Như vậy, bài viết này đã trả lời cho các mẹ bầu câu trả lời về vấn đề “sau chuyển phôi bao nhiêu tuần sẽ có tim thai”. Tóm lại, ngoài việc mang thai mấy tuần có tim thai, mẹ bầu cũng nên lưu ý nhịp tim thai cùng với thai máy, tim thai là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của thai nhi. Bên cạnh đó, các mẹ đừng quá lo lắng mà luôn giữ sự thoải mái và lưu ý nghỉ ngơi, tẩm bổ điều độ để có sức khỏe thật tốt các mẹ nhé. Nếu phát hiện điều bất thường, mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra ngay. Hy vọng những thông tin cung cấp bên trên sẽ giúp các mẹ có kiến thức chăm sóc thai nhi thật hiệu quả, khỏe mạnh nhất.