10 SỰ THAY ĐỔI KHI PHỤ NỮ MANG THAI

Mang thai là một chặng đường thiêng liêng, để chào đón thiên thần nhỏ bé thì mẹ phải trải qua rất nhiều sự thay đổi về thể chất lẫn tinh thần, khiến nhiều cặp vợ chồng trong lần mang thai đầu tiên không khỏi lo lắng. Hãy cùng IVFMD tìm hiểu bài viết sau để phần nào hiểu hơn về những khó khăn mà mẹ bầu phải vượt qua để giảm lo lắng, và dành sự yêu thương đặc biệt hơn cho những mẹ bầu.

1. Thay đổi hệ thống sinh sản

  • Tử cung: là nơi chứa em bé – nơi thay đổi nhiều nhất khi có thai, 3 tháng đầu thai kỳ tử cung còn nằm trong hố chậu. Từ tháng thứ 4, cùng với sự phát triển của em bé tử cung lớn lên nằm trong vùng bụng với đáy ở phía trên. Mỗi tháng bề cao tử cung tăng thêm 4 cm.
  • Cổ tử cung: Trở nên phì đại và mềm hơn về gần cuối thai kỳ để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ. Kênh cổ tử cung được bịt kín bởi chất nhầy đục và đặc. Khi chuyển dạ nút nhầy này sẽ bong ra và tống xuất dịch nhớt hồng.
  • Âm hộ và tầng sinh môn: mềm ra, dễ dãn hơn về gần cuối thai kỳ để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ. Âm hộ có màu tím và ẩm ướt hơn vì vậy mẹ bầu nên lựa chọn đồ lót rộng rải, chất liệu thoáng mát để tránh viêm nhiễm.
  • Vú: lớn dần, đầu vú nhô lên và nhạy cảm. Quầng vú sậm màu hơn, phồng lên và xuất hiện những chấm trắng gọi là hạt montgomery. Có thể rỉ ra sữa non ở cuối thai kỳ.

2.Thay đổi ở da

Những vết rám sậm màu có thể xuất hiện từ tháng thứ 2 của thai kỳ ở các vùng da mặt, vú và cổ. Ở khoảng tháng thứ 5, trên vú, bụng và đùi xuất hiện vết rạn da. Những vết rạn này có màu hồng tím ở mẹ bầu sinh con so, và màu trắng bạc ở mẹ bầu sinh con rạ.

3.Thay đổi về xương khớp

  • Khi tử cung phát triển to về phía trước càng làm tăng sự mất thăng bằng, mẹ bầu có xu hướng ngã người về phía sau để giữ được cân bằng, điều đó làm tăng áp lực lên cột sống, khiến mẹ bầu đau lưng nhiều hơn về gần cuối thai kỳ. Mẹ bầu cần chú ý đến tư thế của mình hằng ngày, và lựa chọn các bài tập thể dục làm mạnh các cơ vùng thắt lưng, giúp ổn định cột sống và giảm đau lưng.
  • Sự thay đổi các hormone trong thai kỳ khiến các khớp và dây chằng có khuynh hướng trở nên lỏng lẻo, đặc biệt ở vùng chậu. Tạo điều kiện cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.

4.Thay đổi nội tiết trong cơ thể

Một loại nội tiết tố chỉ xuất hiện ở phụ nữ mang thai là hCG. Hormone này có tác dụng duy trì hoàng thể chế tiết hai loại nội tiết tố thai kỳ là estrogen và progesterone. Progesterone có tác dụng duy trì niêm mạc tử cung, tạo môi trường đủ chất dinh dưỡng để thai phát triển. Dựa vào mối tương quan giữa nồng độ beta hCG trong máu và tuổi thai, chúng ta có thể đánh giá được sự phát triển của thai.

5.Thay đổi hệ tim mạch

Ở những tháng cuối thai kỳ, tử cung to lên chèn ép vào hệ tĩnh mạch dẫn lưu máu từ phần dưới cơ thể về tim làm giảm áp lực đổ đầy tim, khiến mẹ bầu dễ bị hạ huyết áp, biểu hiện là choáng váng, chóng mặt. Mẹ bầu có thể nằm nghiêng trái để giảm nguy cơ này. Nhịp tim cao hơn bình thường khiến mẹ bầu thường xuyên đánh trống ngực.

6.Thay đổi hệ hô hấp

Cơ hoành bị tử cung đẩy lên trên khiến thể tích phổi nhỏ lại, mẹ bầu có xu hướng thở nông và nhanh hơn. Điều này có thể cải thiện bằng cách tập mạnh các cơ hô hấp với các bài tập thở.

7.Thay đổi hệ thần kinh

Mẹ bầu có thể dễ mất tập trung hoặc mất cân bằng về thần kinh. Dễ nóng tính, buồn bực vô cớ. Cuối thai kỳ thường mất ngủ và hay thức giấc.

8.Thay đổi hệ tiêu hoá

  • Hormone progesterone gây giãn cơ trơn, làm giãn trương lực cơ thắt thực quản, kết hợp với sự gia tăng áp lực trong dạ dày, khiến cho việc trào ngược dạ dày thực quản thường diễn ra.
  • Buồn nôn (hay còn gọi là ốm nghén) là một triệu chứng tiêu hóa phổ biến của thai kỳ. Thường bắt đầu từ tuần thứ 4-8, sau đó giảm dần.
  • Hệ đường ruột bị tử cung chèn ép, mẹ bầu dễ bị táo bón do nhu động ruột giảm

9.Thay đổi hệ tiết niệu

Tử cung phát triển chèn lên bàng quang khiến tần suất đi tiểu nhiều hơn, có thể rĩ nước tiểu khi ho hoặc hắt hơi. Niệu quản giảm nhu động, dài và cong hơn nên dẫn lưu nước tiểu kém, ngoài ra còn có sự gia tăng giữ natri từ ống thận, cơ thể giữ nước khiến mẹ bầu có thể bị phù.

10.Cân nặng

Nhu cầu về dinh dưỡng tăng lên do sự phát triển của thai nhi và sự tăng trưởng của các bộ phận trong cơ thể mẹ như tử cung, bánh nhau, mô tuyến vú,… Trung bình mẹ bầu tăng 10-12 kg trong thai kỳ.

Những thay đổi khi mang thai là hoàn toàn bình thường, là điều cần thiết cho sự phát triển của em bé và cuộc chuyển dạ được diễn ra thuận lợi nhất. Sau sinh những thay đổi này sẽ trở về như ban đầu.

Việc có kiến thức giúp mẹ bầu tự tin hơn. Mẹ bầu nên có chế độ luyện tập thể dục và ăn uống lành mạnh để giảm thiểu những khó khăn trong lúc mang thai.

Gia đình là nơi để yêu thương, các ông bố và thành viên trong gia đình nên dành sự chăm sóc đặc biệt cho các mẹ bầu trong thời gian này. Sự cảm thông và chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần khiến các chị em giảm căng thẳng, luôn vui vẻ, giúp em bé trong bụng cũng được phát triển khoẻ mạnh.

Hy vọng những thông tin trên giúp bạn có thêm kiến thức. Rất vui vì được đồng hành với các mẹ bầu trên chặng đường thiêng liêng này. IVFMD xin cảm ơn và chúc tất cả mẹ bầu có một thai kỳ khoẻ mạnh!