Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần quan tâm, theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi theo sự hướng dẫn của bác sĩ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý trong thai kì. Một trong những bệnh lý mẹ bầu cần đặc biệt chú ý là “bệnh lý đái tháo đường thai kì”. Vậy tại sao mẹ bầu cần phải quan tâm? làm gì để biết mình có nguy cơ đái thái đường thai kì hay không? và nếu bị đái tháo đường thai kỳ thì mẹ bầu cần phải làm gì? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được IVFMD giải đáp qua bài viết dưới đây nhé.
1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kì là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa của cơ thế khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong khi mang thai. Bệnh đái tháo đường thai kì thường không có triệu chứng rõ, thời điểm tầm soát đái tháo đường khi tuổi thai từ 24 đến 28 tuần.
2. Các yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kì
- Mẹ thừa cân, béo phì, mẹ có hội chấn buồng trứng đa nang
- Gia đình có người bị đái tháo đường trước đó hoặc mẹ từng bị đái tháo đường trong những lần mang thai trước
- Từng bị sẩy thai, thai lưu không rõ nguyên nhân
- Tiền căn sinh con to > 4000 gr
3. Ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
- Mẹ bầu dễ bị sẩy thai, thai lưu (thường ở tuần thứ 37), nguy cơ sanh non tăng gấp 5 lần so với thai kì bình thường
- Thai nhi có thể dị dạng, đặc biệt là dị dạng về tim, khuyết tật ống thần kinh
- Thai to (4500 – 6000 gr)
- Mẹ bị đái tháo đường thai kì dễ bị tăng huyết áp, tiền sản giật hơn, nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Trong quá trình chuyển dạ mẹ bầu thường đẻ khó do thai to, băng huyết sau sanh và có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai
- Đối với bé có nguy cơ mắc bệnh vàng da, suy hô hấp, co giật, hạ canxi, hạ đường huyết
4. Mẹ nên làm gì khi bị đái tháo đường?
- Khám thai định kì, siêu âm kiểm tra thai để phát hiện sớm các dị dạng cũng như sự tăng trưởng của thai
- Mẹ chủ động hơn trong việc theo dõi thai tại nhà, theo dõi cử động của thai nhi 3 lần/ ngày mỗi lần 30 phút
- Lập bảng theo dõi đường huyết, và theo dõi đường huyết thường xuyên
- Cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết cùng với các bác sĩ sản khoa
5. Chế độ dinh dưỡng như thế nào?
- Tránh ăn khẩu phần lớn, chia nhỏ bữa ăn ra thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ
- Ăn thức ăn có chỉ số đường thấp, bổ sung nhiều chất xơ, trái cây
- Hạn chế thức ăn và nước có chứa đường nhanh như bánh kẹo, nước ngọt, chè vì nguy cơ tăng đường huyết và tăng cân nhiều
6. Chế độ sinh hoạt, vận động
- Nên đi bộ sau bữa ăn mỗi ngày từ 20-30 phút sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn
- Tham gia các lớp tập thể dục, bơi lội nhưng với cường độ thấp hơn so với mức đã tập trước đây, nên tránh các bài tập có sự va chạm mạnh, xoắn vặn, có sự thay đổi tư thế đột ngột
- Không nên tập thể dục khi có phù nhiều, huyết áp không kiểm soát được, khi đường máu quá cao hoặc quá thấp
Chế độ dinh dưỡng phù hợp kết hợp với vận động hợp lý sẽ giúp việc điều trị đái tháo đường hiệu quả hơn, chỉ dùng thuốc khi đường huyết không kiểm soát được. Mong rằng bài viết này có thể giúp mẹ bầu có thêm thông tin để thai kì được an vui.