THIẾU MÁU THIẾU SẮT TRONG THAI KỲ

Trong quá trình mang thai, tim của người mẹ phải hoạt động nhiều hơn bình thường để cung cấp máu nuôi dưỡng thai nhi. Sự tăng thể tích máu 30 – 50% so với bình thường đòi hỏi cơ thể phải được nạp thêm lượng sắt để tạo ra nhiều máu hơn. Vậy làm sao để cung cấp đủ sắt trong thai kỳ, hãy cùng IVFMD tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé! 

1. Nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ là gì?

Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn không cung cấp đủ sắt vì nhu cầu sắt của phụ nữ có thai cao hơn để cung cấp cơ thể và cho thai nhi. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn.

2. Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt

  • Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt.
  • Cảm giác tim đập nhanh hơn bình thường mặc dù không gắng sức.
  • Tóc bị rụng không nguyên nhân. Móng tay chân nhợt nhạt dễ bong, gãy.
  • Da nhợt nhạt hoặc vàng.
  • Khó thở.
  • Hay bồn chồn, hồi hộp.
  • Thèm ăn những đồ lạ mà trước đây không ăn.

3. Tác hại nghiêm trọng của thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ

Thiếu máu ở phụ nữ mang thai gây nên tình trạng thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não…có thể gây những hậu quả nặng nề cho mẹ và con.

Đối với mẹ: dễ sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản.

Đối với con: nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.

4. Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt như thế nào?

Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt mẹ bầu cần chủ động có chế độ ăn phù hợp và theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO để dự phòng thiếu máu thai phụ cần 18-27mg sắt mỗi ngày.

Nguồn cung cấp sắt trong thực phẩm hàng ngày:

  • Sắt có nhiều trong thịt bò, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh… Sắt từ thức ăn nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn gốc thực vật
  • Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, can xi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Mỗi tuần mẹ bầu có thể ăn từ 3-4 quả trứng gà.
  • Ngoài việc lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt từ nguồn thức ăn động vật, còn cần phối hợp với các loại trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn như: cam, bưởi, thanh long, táo… sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn.

Hạn chế những chất ức chế hấp thu sắt như: tannin, phytate có trong ngũ cốc thô, trà…

Cần tránh dùng chung thuốc sắt với canxi; hay sắt và thuốc chống loét dạ dày sẽ làm giảm hấp thu sắt (những thuốc trên khi kết hợp với nhau cần uống cách nhau ít nhất 2 giờ). Không dùng chung thuốc chứa sắt với trà, cà phê hay sữa sẽ làm giảm hấp thu sắt.

Ngoài ra, mẹ bầu cần thực hiện uống viên sắt và acid folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của bác sỹ trong quá trình khám thai.

Hy vọng bài viết trên có thể mang đến những thông tin bổ ích giúp cho mẹ bầu có một “thai kỳ an vui”. IVFMD luôn đồng hành cùng mẹ bầu và những cặp vợ chồng đang trên hành trình tìm kiếm thiên thần đáng yêu!  

Tác giả: NHS.Nguyễn Thị Tuyết Hoa – Phòng khám Ngọc Lan