NHIỄM NẤM ÂM ĐẠO VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA KHI MANG THAI

Nấm âm đạo là bệnh lý khá phổ biến đối với phụ nữ hiện nay, khi có thai tần suất bị nấm âm đạo sẽ cao hơn và gây ra nhiều cảm giác khó chịu làm ảnh hưởng đến mẹ và bé. Thông qua bài viết này, IVFMD muốn nhắn gửi đến các mẹ bầu một số thông tin về nấm âm đạo cũng như cách phòng ngừa.

1. Tại sao mẹ bầu dễ nhiễm nấm trong thai kỳ?

Ở điều kiện bình thường, trong âm đạo sẽ tồn tại cả vi khuẩn có lợị và có hại. Tuy nhiên khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu thay đổi, độ PH trong âm đạo bị mất cân bằng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn nấm sinh sôi và phát triển.

2. Dấu hiệu nhận biết nấm trong thai kỳ

Dấu hiệu dễ dàng nhận biết nhất cho mẹ bầu là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu vùng âm hộ, âm đạo. Kèm theo đó là triệu chứng sưng đỏ vùng âm hộ, âm đạo. Nặng hơn có thể dẫn tới triệu chứng tiểu buốt, tiểu rát, tiểu gắt. Huyết trắng vón cục, trắng đục như váng sữa, đóng thành mảng trên thành âm đạo.

3. Nấm ảnh hưởng tới mẹ bầu và bé như thế nào?

  • Trong sinh hoạt thường ngày gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu cho mẹ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mẹ bầu
  • Có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bé, thấp hơn bình thường, nặng hơn có thể sinh non gây nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu như mẹ bầu không điều trị kịp thời
  • Nếu sinh bé khi mẹ bầu nhiễm nấm nặng có thể lây nhiễm cho bé khi đi qua âm đạo, dẫn tới viêm niêm mạc miệng (dân gian gọi là đẹn) hoặc gây viêm da, viêm phổi cho bé

4. Mẹ bầu nên làm gì khi phát hiện mình nhiễm nấm âm đạo?

  • Khi phát hiện bị nấm âm đạo, mẹ bầu nên bình tĩnh và phối hợp với bác sĩ điều trị. Dùng thuốc theo phát đồ của bác sĩ, không tự ý đặt thuốc vì có nhiều loại thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai
  • Giữ âm hộ càng sạch càng tốt, không thụt rửa âm đạo, không nên sử dụng xà phòng hay các chế phẩm tại chỗ không cần thiết dẫn tới tiến triển xấu thêm của bệnh
  • Lưu ý quần áo lót nên được giặt sạch sẽ và phơi nắng trước khi mặc. Nên sử dụng các loại quần lót thoáng mát, co giãn và có độ thấm hút
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng
  • Khi đau rát, ngứa quá mức mẹ bầu có thể sử dụng túi đá lạnh hoặc bồn tắm nước ấm thêm chút muối soda để dễ chịu hơn

Nhiễm nấm âm đạo khi mang thai có thể được điều trị hoàn toàn bằng sự kết hợp sử dụng thuốc đúng phác đồ của bác sĩ và lối sống lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ. Hy vọng các mẹ bầu có thể có được những thông tin hữu ích qua bài đọc này. IVFMD luôn đồng hành cùng các mẹ bầu.