NGÀY CHỌC HÚT CHỒNG KHÔNG CÓ MẶT TẠI BỆNH VIỆN?

Hiện nay, các thông tin liên quan đến chủ đề hiếm muộn ngày càng trở nên phổ biến. Các cặp vợ chồng mong con bắt đầu tìm đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để điều trị cũng ngày càng tăng. Khi bắt đầu điều trị hỗ trợ sinh sản, ngoài các thông tin chuyên môn, điều các cặp vợ chồng quan tâm còn có các vấn đề liên quan đến lịch tái khám. Cụ thể, thông qua bài viết này, IVFMD sẽ giải đáp giúp các bạn câu hỏi “Ngày chọc hút trứng (noãn) có cần chồng có mặt hay không?”

Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có chọc hút trứng

Trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay, kỹ thuật cần chọc hút lấy trứng gồm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM).

Kỹ thuật TTTON (In Vitro Fertilization): Trứng trưởng thành của người vợ sẽ được chọc hút lấy ra ngoài và thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong ống nghiệm để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (thường từ 3 – 5 ngày), phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người vợ hoặc trữ đông để chuyển phôi trữ.

Kỹ thuật IVM (In Vitro Maturation): Trứng chưa trưởng thành của người vợ sẽ được chọc hút lấy ra ngoài và nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt cho đến khi trưởng thành. Các giai đoạn sau đó như tạo phôi, nuôi phôi, chuyển phôi và trữ phôi đều sẽ được tiến hành giống như kỹ thuật TTTON.

Ngày chọc hút trứng có cần chồng có mặt hay không?

Ngày chọc hút trứng được xem là một trong những bước quan trọng nhất trong suốt quá trình điều trị.

Đối với TTTON, vào đúng ngày chọc hút trứng, cả 2 vợ chồng sẽ phải có mặt tại bệnh viện để làm thủ tục, ký các giấy tờ liên quan và người chồng sẽ lấy mẫu tinh trùng tươi để tạo phôi cùng ngày.

Đối với IVM, có 2 phác đồ IVM đang được sử dụng nhiều nhất và mỗi phác đồ sẽ có thời điểm tạo phôi khác nhau. Với phác đồ IVM có tiêm mũi hCG, ngày chọc hút trứng chồng phải có mặt để lấy mẫu tinh trùng giống như kỹ thuật TTTON. Với phác đồ IVM – CAPA, trứng chưa trưởng thành của người vợ sẽ được nuôi cấy trong 2 ngày. Vậy nên, người chồng không cần bắt buộc có mặt vào ngày chọc hút trứng mà sẽ đến lấy mẫu tinh trùng vào 2 ngày sau đó để tiến hành phôi.

Trong quá trình kích thích buồng trứng, nếu vì lý dó cá nhân mà người chồng không thể có mặt vào ngày chọc hút trứng thì cần phải báo ngay với bác sĩ điều trị hoặc nhân viên y tế. Trong trường hợp này, người chồng sẽ được chỉ định trữ đông mẫu tinh trùng. Sau khi trữ đông tinh trùng và hoàn tất hợp đồng, người chồng sẽ được hướng dẫn đến phòng hành chánh để thực hiện các thủ tục pháp lý như ký trước các giấy tờ cần thiết hoặc làm ủy quyền sử dụng mẫu tinh trùng trữ. Trong trường hợp bất khả kháng hơn, người chồng đột xuất không thể có mặt vào ngày chọc hút trứng thì bác sĩ sẽ chỉ định trữ trứng của người vợ.

Một số giấy tờ cần bổ sung trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản

Sau khi được bác sĩ tư vấn và quyết định điều trị, các bạn sẽ được hướng dẫn bổ sung 02 bản photo giấy đăng ký kết hôn, 02 bản photo căn cước công dân của vợ và chồng kèm bản gốc để đối chiếu thông tin. Bản gốc sẽ được trả lại sau khi đã scan và đối chiếu. Việc cung cấp các giấy tờ này để chứng minh thông tin cá nhân và tình trạng hôn nhân hợp pháp được pháp luật quy định.

Trong trường hợp khi bắt đầu điều trị, người chồng vì các lý do khác nhau mà không thể cùng đồng hành với vợ trong toàn bộ quá trình, hãy đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hỗ trợ phương án tốt nhất nhé! Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn phần nào giảm bớt những lo lắng và an tâm hơn trong hành trình tìm kiếm con yêu.