Không ít phụ nữ trải qua trải nghiệm sinh con với ký ức kinh hoàng từ hành trình “vượt cạn một mình”. Trong đó, đau đẻ là một phần trải nghiệm mà từ trước đến nay được chị em quan tâm và nhắc đến rất nhiều. Vì vậy, giảm đau sản khoa tốt bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng góp phần mang lại một ký ức đẹp khi người phụ nữ hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng.
Cơn đau khi chuyển dạ đến từ đâu?
Cơn đau đẻ ở phụ nữ thường được ví với nỗi đau gãy 8 cái xương sườn một lúc. Nguyên nhân ban đầu là do mở cổ tử cung và cơn gò chuyển dạ. Tiếp đó, việc em bé đang xuống thấp dần, gây giãn các cơ sàn chậu kết hợp với các cơn gò tử cung gây ra đau dần tăng. Mặt khác, tâm lý sợ hãi và căng thẳng cũng góp phần đau nhiều hơn.
Giảm đau sản khoa – Tê ngoài màng cứng là gì?
Một số phương pháp giảm đau tự nhiên như tập hít thở, nghe một bài nhạc yêu thích hay tắm nước nóng trong lúc có cơn đau cũng được áp dụng. Tuy nhiên, một số mẹ bầu vẫn cảm thấy đau dữ dội cần đến sự hỗ trợ nhằm giảm cơn đau nhiều hơn thế.
Khi thực hiện giảm đau sản khoa bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, Bác sĩ gây mê hồi sức sẽ đặt một cannula hay còn gọi là một ống dẫn truyền thuốc rất nhỏ ở vị trí đốt sống thắt lưng dẫn đến khoang ngoài màng cứng và cho phép truyền các chất giảm đau tại chỗ liên tục hoặc từng đợt nhằm giảm các cơn đau trong lúc chuyển dạ và lúc sanh.
Tác dụng của phương pháp Gây tê ngoài màng cứng
Gây tê ngoài màng cứng được cho là một phương pháp giảm đau rất hiệu quả, giảm cảm giác đau khi có cơn gò tử cung, khi sổ thai, khi cắt và khâu tầng sinh môn. Từ đó, cuộc chuyển dạ diễn ra nhẹ nhàng hơn, sản phụ tránh được việc kiệt sức do những cơn đau. Nhờ đó, tê ngoài màng cứng được khuyến cáo cho hầu hết các sản phụ, đặc biệt là sản phụ có bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, hen suyễn nhằm giảm áp lực từ cơn đau chuyển dạ.
Do nồng độ thuốc đưa vào thấp và thuốc chỉ ngăn chặn cơn đau ở mẹ nên gây tê ngoài màng cứng không gây ra bất cứ nguy hiểm nào cho bé.
Tác dụng phụ của Gây tê ngoài màng cứng
Mặc dù vậy, tê ngoài màng cứng cũng như các phương pháp khác, có một số tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải đó là:
-
Hạ huyết áp gây choáng váng và buồn nôn
-
Lạnh run thoáng qua hoặc ngứa
-
Đau đầu
-
Đau tại vị trí tiêm: cảm giác đau tại vị trị đặt kim gây tê và hết sau khoảng 48 giờ gây tê.
Tuy nhiên, những hiện tượng này chỉ xảy ra với tỉ lệ thấp và triệu chứng thoáng qua. Sản phụ sẽ được theo dõi liên tục bởi Bác sĩ gây mê hồi sức và nhân viên y tế.
Gây tê ngoài màng cứng có gây ra đau lưng không?
Đây là nhiều lo lắng của các mẹ bầu khi tìm hiểu về gây tê ngoài màng cứng. Các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng, so với sản phụ sanh thường không có gây tê ngoài màng cứng thì sản phụ sanh thường có gây tê ngoài màng cứng không gây đau lưng hơn. Việc đau lưng sau sanh có thể do nhiều nguyên nhân như: thay đổi hình dạng cột sống khi mang thai, tư thế không đúng hoặc bệnh lý cột sống gặp phải.
Mặc dù sinh nở là một quá trình bình thường và tự nhiên của con người, nhưng hầu hết các mẹ bầu đều cảm thấy rất đau. Giảm đau sản khoa ngày càng là xu thế và lựa chọn của nhiều sản phụ vì những lợi ích mà nó mang lại. Bác sĩ khám tiền vô cảm trước sinh sẽ tư vấn phương pháp giảm đau phù hợp với trình trạng của sản phụ. Vì vậy, bạn đừng nên quá lo lắng, thay vào đó là hãy tin tưởng vào đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện để “hành trình vượt cạn” trở thành ký ức đẹp nhất của người phụ nữ.