Hiện nay, tình trạng vô sinh càng tăng ở các cặp vợ chồng trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân được tìm thấy, một trong các nguyên nhân cần chú ý đó là bệnh lý tuyến giáp. Chức năng tuyến giáp không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, bệnh lý tuyến giáp ở nữ nhiều hơn ở nam, chính vì vậy bệnh lý cường giáp ở nam ít được chú ý và phát hiện dễ bỏ sót. IVFMD xin gửi đến các bạn nam một số thông tin qua bài viết dưới đây.
1. Định nghĩa cường giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình con bướm, có vị trí ở phía trước cổ. Các hormone được sản xuất bởi tuyến giáp là Thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3), các hormone giáp có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, chuyển hóa và phát triển của cơ thể.
Cường giáp hay cường tuyến giáp là hội chứng mà tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất nhiều hormone giáp hơn nhu cầu của cơ thể và làm tăng nồng độ hormone giáp trong máu.
2. Nguyên nhân gây cường giáp
Các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cường tuyến giáp bao gồm:
Bệnh Basedow (Bệnh Graves): Bệnh này xuất hiện do các tự kháng thể trong máu kích hoạt tuyến giáp, làm cho tuyến giáp phát triển và tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp.
Các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức: Các nhân tuyến giáp là những cục u trong tuyến giáp của bạn. Các nhân tuyến giáp phổ biến và thường lành tính, chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ chứa tế bào ung thư. Tuy nhiên, một hoặc nhiều nhân tuyến giáp có thể hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.
Viêm tuyến giáp: Đây là tình trạng tuyến giáp bị viêm làm phá hủy cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp, dẫn đến hormone tuyến giáp dự trữ bị rò rỉ ra ngoài tuyến giáp.
Tăng tiêu thụ i-ốt: Tuyến giáp sử dụng i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp. Lượng i-ốt bạn tiêu thụ ảnh hưởng đến lượng hormone tuyến giáp mà tuyến giáp tạo ra. Ở một số người, tiêu thụ một lượng lớn i-ốt có thể khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh cường giáp
- Cảm giác sợ nóng, da nóng,
- Tăng tiết mồ hôi và sốt nhẹ 37.5-38 độ C
- Bị đánh trống ngực, có cảm giác hồi hộp, khó thở khi xúc động hoặc làm việc gắng sức
- Bồn chồn, lo lắng, khó ngủ, tính khí thất thường, dễ cáu gắt. Có thể xảy ra rối loạn tâm thần biểu hiện bằng cơn kích động hoặc tình trạng lú lẫn hay hoang tưởng
- Run ở đầu ngón tay
- Da mỏng, tóc giòn và yếu cơ đặc biệt là ở cánh tay và đùi
- Thường sụt cân nhanh mặc dù ăn vẫn bình thường hoặc có khi ăn khỏe. Một số ít bệnh nhân trẻ tuổi có khi lại tăng cân nghịch thường.
- Bệnh Basedow còn có thêm biểu hiện ở mắt: chói mắt, chảy nước mắt, cảm giác nóng rát mắt, lồi mắt.
4. Những xét nghiệm nội tiết tuyến giáp quan trọng trong chẩn đoán cường giáp
- Xét nghiệm TSH
TSH (Thyroid stimulating hormone) là một glycoprotein được sản xuất bởi tuyến yên trong não. Nhiệm vụ của TSH là điều hòa sự bài tiết T3 và T4 của tuyến giáp. Việc xét nghiệm định lượng TSH sẽ nhằm mục đích chính đó là kiểm tra xem tuyến giáp có hoạt động bình thường không. Hơn nữa giúp chẩn đoán sớm các rối loạn chức năng tuyến giáp, tìm ra nguyên nhân và phác đồ điều trị phù hợp.
Ở người bình thường, giá trị của TSH sẽ là 0,4-5mIU/L. Nếu giá trị vượt quá 5mIU/L sẽ cho thấy suy tuyến giáp nguyên phát. Còn nếu giá trị TSH giảm mạnh sẽ cho thấy bệnh basedow (cường tuyến giáp), thiểu năng vùng dưới đồi – yên.
- Định lượng T4
Được đánh giá là một xét nghiệm tuyến giáp quan trọng trong chẩn đoán tuyến giáp. T4 tồn tại ở hai dạng trong cơ thể nên xét nghiệm bao gồm:
– Xét nghiệm T4 toàn phần giúp đo lường thyroxine lưu hành trong máu. Trị số bình thường dao động khoảng 5,0-12,0 ng/dL.
– Xét nghiệm T4 tự do giúp đo lượng T4 tự do trong máu. Chúng không bị ảnh hưởng bởi protein: Trị số thông thường ở người trưởng thành dao động từ 0,8 – 1,8 ng/dL. Nếu trị số tăng cao sẽ cho thấy tình trạng cường giáp, nhiễm độc giáp. Còn trị số giảm sẽ báo hiệu khả năng suy giáp và thiểu năng vùng dưới đồi – yên.
- Định lượng T3
Giống như định lượng T4, định lượng T3 gồm hai loại xét nghiệm: xét nghiệm T3 toàn phần và xét nghiệm T3 tự do.
Xét nghiệm định lượng nồng độ T3 toàn phần được chỉ định khi có nghi ngờ cường giáp nhưng nồng độ FT4 vẫn ở mức bình thường. Xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá được chức năng tuyến giáp cũng như chẩn đoán các cường giáp do T3 gây ra. Nếu giá trị xét nghiệm T3 tăng cho thấy tình trạng cường giáp
Xét nghiệm định lượng nồng độ T3 tự do cũng giống với xét nghiệm T3 toàn phần.
5. Cường giáp ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản ở nam giới?
Theo một số nghiên cứu, các bệnh lý tuyến giáp gây mất cân bằng nồng độ globulin gắn kết với hormone sinh dục (SHBG). Đây là protein được sản xuất bởi gan có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển testosterone, dihydrotestosterone và estradiol. Nam giới bị bệnh cường giáp làm mức SHBG tăng cao, khiến nhiều testosterone được vận chuyển hơn.
Nồng độ testosterone giảm có thể gây thiểu năng sinh dục, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm số lượng tinh trùng ở nam giới. Trong khi đó, mức testosterone tăng cao sẽ làm giảm số lượng tinh trùng và làm tăng nguy cơ teo tinh hoàn.
Các nghiên cứu khác cũng nhận thấy mối liên hệ giữa nồng độ hormone tuyến giáp và sự bất thường của tinh trùng cũng như tinh dịch. Theo đó, suy giáp có thể làm ảnh hưởng đến hình thái, khả năng di chuyển của tinh trùng cũng như số lượng tinh dịch được sản xuất. Tình trạng cường giáp cũng đã được chứng minh có khả năng gây ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của tinh trùng. Theo Hiệp hội Tiết niệu Mỹ (AUA), khả năng di chuyển, số lượng và chất lượng của tinh trùng là những yếu tố tác động trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới.
May mắn là, khả năng sinh sản có thể được cải thiện nếu nam giới kiểm soát tốt các bệnh lý tuyến giáp. Đa số các phương pháp điều trị sẽ tác động để đưa nồng độ hormone tuyến giáp về mức bình thường, từ đó giúp cân bằng nồng độ testosterone, nâng cao chất lượng và số lượng của tinh trùng.
Tóm lại, nam giới gặp các vấn đề sinh sản nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời. Nếu đã xác định nguyên nhân gây hiếm muộn là do bệnh lý tuyến giáp, bệnh nhân cần hợp tác với bác sĩ và tuân thủ điều trị để cải thiện khả năng sinh sản.
Tác giả: Nhs. Lê Thị Kim Tho – Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVF Vạn Hạnh