Suy buồng trứng sớm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn khiến cho chị em phụ nữ lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vậy suy buồng trứng sớm là gì? Nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng sớm, các dấu hiệu cũng như triệu chứng gặp phải và cách điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin và giải đáp các thắc mắc cho bạn.
Suy buồng trứng sớm là gì?
Suy buồng trứng sớm là thuật ngữ thường được dùng để mô tả trường hợp buồng trứng ngưng hoàn toàn hoạt động nội tiết trước tuổi 40. Các nội tiết này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa kinh nguyệt và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Dấu hiệu và triệu chứng gặp phải của suy buồng trứng sớm là gì?
Phụ nữ có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau trong nhiều tháng hoặc nhiều năm dẫn đến mãn kinh hoặc sau mãn kinh chẳng hạn như:
- Kinh nguyệt không đều hoặc rối loạn kinh nguyệt trong thời gian dài.
- Bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, tiểu đêm, mất ngủ, khô âm đạo…
- Suy giảm trí nhớ.
- Da dẻ có dấu hiệu nhăn nheo, tóc mỏng, dễ gãy rụng.
Bên cạnh đó, suy buồng trứng sớm xảy ra với tần suất ghi nhận vào khoảng 1% ở những phụ nữ 40 tuổi và làm gia tăng nguy cơ một số bệnh lý như rối loạn tim mạch, loãng xương, suy giảm nhận thức và rối loạn tâm trạng, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm là gì?
Theo nghiên cứu ghi nhận, các trường hợp suy buồng trứng sớm có thể liên quan đến một số bệnh lý di truyền (khoảng 10 – 15%), bất thường nhiễm sắc thể (NST) và các bệnh lý tự miễn.
- Bất thường NST: Người ta ghi nhận có rất nhiều gen nằm trên NST giới tính X. Và phần lớn các gen này có chức năng điều hòa quá trình sinh sản. Những bất thường mất đoạn hay gãy đoạn gen trên cánh ngắn của NST X được ghi nhận ở phụ nữ bị vô kinh nguyên phát. Ngoài ra, bất thường NST số 13 và số 18 cũng thường dẫn đến suy buồng trứng sớm hay rối loạn chức năng buồng trứng.
- Họa trị, xạ trị hoặc làm việc trong môi trường tiếp xúc hóa chất độc hại: Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng. Tác dụng của thuốc hóa trị sẽ làm ngăn chặn sự gia tăng tế bào hạt và tế bào vỏ nuôi dưỡng trứng. Các yếu tố độc hại của môi trường ví dụ như hít khói thuốc lá có thể phá hủy các nang noãn.
- Mắc phải bệnh lý tự miễn: Các yếu tố miễn dịch cũng được cho là có liên quan đến rối loạn hoạt động chức năng của nang noãn. Kết quả của một cuộc khảo sát trên 119 người suy buồng trứng sớm có bộ NST bình thường cho thấy: suy buồng trứng sớm kèm suy giáp chiếm tỷ lệ cao nhất là 27%, sau đó là bệnh Addison, viêm giáp Hashimoto và đái tháo đương. Các bệnh lý tự miễn này sẽ tạo ra kháng thể gây hại cho các nang noãn, chống lại mô buồng trứng và làm hư hỏng các nang noãn.
- Sức khoẻ tinh thần: Tâm lý cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự điều hoà nội tiết trong cơ thể. Căng thẳng và mệt mỏi quá mức sẽ gây rối loạn hệ thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn điều hoà nội tiết trong cơ thể và suy giảm chức năng của buồng trứng.
- Phẫu thuật – thủ thuật: Những phẫu thuật liên quan đến buồng trứng hoặc nạo phá thai không an toàn cũng gây ảnh hưởng đến mô lành buồng trứng. Từ đó, gây ảnh hưởng đến nội tiết của buồng trứng và số lượng trứng.
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ suy buồng trứng sớm nên làm gì?
Sử dụng nội tiết thay thế
Đối với những phụ nữ suy buồng trứng sớm, việc duy trì kinh nguyệt đều đặn hàng tháng có thể hỗ trợ một phần về mặt tâm lý. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy, suy buồng trứng sớm có nguy cơ bị gãy xương và tăng tử vong do bệnh lý tim mạch. Vì vậy, việc sử dụng nội tiết thay thế có thể được cân nhắc sử dụng để duy trì hoạt động nội tiết. Hoạt động nội tiết sẽ bảo vệ người phụ nữ khỏi các nguy cơ về tim mạch và loãng xương.
Tầm soát nguy cơ một số bệnh lý
Các nghiên cứu cho thấy, tốc độ hủy xương tăng ở giai đoạn quanh mãn kinh và đặc biệt tăng mạnh trong 3 – 4 năm đầu sau mãn kinh. Vấn đề loãng xương ở phụ nữ suy buồng trứng sớm càng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc đo mật độ xương nên được tiến hành định kỳ hằng năm kèm theo một chế độ luyện tập thể dục hợp lý và đều đặn. Ngoài ra, nên sử dụng thêm Calcium kèm Vitamin D. Theo khuyến cáo của ội mãn kinh Bắc Mỹ, phụ nữ suy buồng trứng sớm nên được bổ sung 1200mg Calcium kết hợp 800 – 1000 đơn vị Vitamin D mỗi ngày.
Bên cạnh việc tăng nguy cơ loãng xương và bệnh lý tim mạch, phụ nữ suy buồng trứng sớm còn phải đối mặt với những rối loạn hoạt động nội tiết khác. Khoảng 20% trường hợp suy buồng trứng sớm sẽ có tình trạng suy giáp. Vì vậy, nên kiểm tra chức năng tuyến giáp định kỳ mỗi 1 – 2 năm. Ngoài ra, suy buồng trứng sớm cũng dẫn đến nguy cơ diễn tiến của bệnh lý suy tuyến thượng thận cũng xảy ra với tần suất khoảng 50%. Do đó, cần được kiểm tra và tầm soát bởi bác sĩ nội tiết định kỳ hàng năm.
Cải thiện chất lượng sống
Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung Canxi, vitamin D trong thực phẩm hàng ngày. Luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi điều độ, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để có một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hy vọng với bài viết trên giúp các bạn có được nhiều thông tin hữu ích về bệnh lý suy buồng trứng sớm. Nếu như bạn đang không may nằm trong nhóm phụ nữ suy buồng trứng sớm thì đừng quá lo lắng, hãy áp dụng những kiến thức đã được cung cấp để chăm sóc sức khỏe mình tốt nhé!