CÁC GIAI ĐOẠN KHÁM THAI MẸ BẦU CẦN LƯU Ý

Có thể bạn chưa biết, mang thai không những là một niềm vui và hạnh phúc mà con còn là sợi dây gắn kết tình cảm của cả gia đình. Khám thai định kỳ được thực hiện nhằm mục đích để kiểm tra và theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe của mẹ. Hãy cùng tìm hiểu về các mốc khám quan trọng trong thai kỳ nhé!

Mục đích của khám thai

Khám thai định kỳ được thực hiện nhằm mục đích để kiểm tra và theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe của mẹ.

Khám thai định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý của mẹ bầu (như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý tuyến giáp…) và các bất thường của thai (như dị tật bẩm sinh, bất thường cấu trúc chức năng…). Từ đó, Bác sĩ sẽ có hướng chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi, hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra.

Khám thai định kỳ sẽ giúp mẹ bầu còn có cơ hội được tư vấn cách chăm sóc sức khỏe đúng cách để thai nhi phát triển một cách toàn diện nhất.

Các mốc khám thai quan trọng

Giai đoạn sau khi trễ kinh 1 – 2 tuần

  • Xác định chắc chắn có thai bằng cách xét nghiệm nồng độ Beta hCG trong máu/nước tiểu.
  • Xác định vị trí làm tổ của thai (trong lòng tử cung hay ngoài tử cung) và số lượng thai (đơn thai hay đa thai) bằng cách siêu âm.
  • Xác định tuổi thai – tính ngày dự sinh: dựa vào kinh cuối hoặc kết quả siêu âm.
  • Đánh giá sức khỏe của mẹ: bệnh lý nội – ngoại khoa và tình trạng thai nghén.

Giai đoạn từ 11 – 13 tuần 6 ngày

Giai đoạn này, mẹ nên nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi khám thai để làm xét nghiệm.

  • Xét nghiệm máu cơ bản.
  • Xét nghiệm Double Test/NIPT: tầm soát nguy cơ thai mắc các dị tật bẩm sinh như hội chứng Patau (Trisomy 13 – có 3 nhiễm sắc thể số 13), Edwards (Trisomy 18 – có 3 nhiễm sắc thể số 18) hay hội chứng Down (Trisomy 21 – có 3 nhiễm sắc thể số 21).
  • Siêu âm độ mờ da gáy của thai nhi.
  • Tầm soát nguy cơ tiền sản giật.

Giai đoạn 16 – 19 tuần.

  • Siêu âm 2D khảo sát tình trạng thai và kênh cổ tử cung.
  • Siêu âm tim mẹ: Tầm soát bệnh lý tim mạch ở mẹ.
  • Siêu âm Softmarker theo chỉ định.
  • Cấy nước tiểu: Tầm soát nhiễm trùng đường tiết niệu – sinh dục.

Giai đoạn 21 – 22 tuần.

  • Siêu âm 4D: Khảo sát hình thái học thai nhi.
  • Siêu âm khảo sát cấu trúc và chức năng của tim thai theo chỉ định.
  • Tiêm VAT mũi 1: Tiêm vắc xin ngừa uốn ván cho mẹ và phòng uốn ván rốn cho thai nhi.

Giai đoạn 24 – 30 tuần

Giai đoạn này khi đi khám mẹ nên nhịn ăn ít nhất 8 giờ để làm xét nghiệm.

  • Siêu âm 2D khảo sát tình trạng của thai.
  • Test dung nạp đường (OGTT) từ 24 – 28 tuần để phát hiện mẹ bầu có bị đái tháo đường thai kỳ hay không.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Tiêm VAT mũi 2 hoặc Tiêm Tdap (bạch hầu – uốn ván – ho gà) khi thai ≥ 27 tuần.

Giai đoạn 30 – 34 tuần.

  • Siêu âm Doppler đánh giá tình trạng thai: Xác định vị trí bám và độ trưởng thành của bánh nhau, ước lượng cân nặng thai và các chỉ số động mạch rốn, động mạch não giữa.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Đo tim thai (Non – stress Test): Đánh giá sức khỏe của thai nhi.
  • Tiêm hỗ trợ phổi thai nhi: Theo chỉ định của bác sĩ nếu có nguy cơ sinh non.

Giai đoạn 35 – 37 tuần

Giai đoạn này khi đi khám mẹ nên nhịn ăn ít nhất 8 giờ để làm xét nghiệm.

  • Siêu âm Doppler đánh giá tình trạng thai.
  • Đo tim thai (Non – stress Test): Đánh giá sức khỏe của thai nhi .
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Cấy dịch âm đạo: Phát hiện sớm có nhiễm GBS (liên cầu khuẩn nhóm B) ở âm đạo hay không, từ đó Bác sĩ có hướng dẫn cụ thể để dự phòng các nguy cơ.
  • Đánh giá sức khỏe của mẹ trước sinh: Xét nghiệm máu và nước tiểu, đo điện tim (ECG), khám tiền vô cảm, chụp XQ tim phổi…

Giai đoạn 38 – 40 tuần

Giai đoạn này mẹ bàu nên khám thai mỗi tuần hoặc ngay khi có bất thường.

  • Siêu âm Doppler đánh giá tình trạng thai.
  • Đo Non – stress Test.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Thảo luận về thời điểm sinh bé.

Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi mà số lần khám thai có thể nhiều hơn, hoặc có thể phát sinh thêm một số khảo sát khác. Trong quá trình khám thai định kỳ, Bác sĩ sẽ tư vấn cho các mẹ bầu về chế độ dinh dưỡng, bổ sung vi chất và canxi, cách theo dõi thai tại nhà và các dấu hiệu bất thường cần đến khám ngay.

Mang thai không chỉ là chức vụ thiêng liêng mà còn là giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời của người mẹ. Để con được sinh ra trong điều kiện tốt nhất, ngoài sức khỏe và tinh thần của người mẹ, việc khám thai định kỳ trong từng giai đoạn còn giúp mẹ theo dõi được sự phát triển của bé. Bài viết này nhằm cung cấp thêm thông tin về lịch khám thai và tầm quan trọng của việc khám thai, nhất là các mẹ sinh con lần đầu. Chúc các mẹ bầu sớm đón bé yêu của mình chào đời khoẻ mạnh.