BỆNH QUAI BỊ CÓ GÂY VÔ SINH NAM KHÔNG?

Nhiều nam giới đến khám và điều trị hiếm muộn khi xét nghiệm tinh dịch đồ có kết quả tinh trùng yếu, thậm chí không có tinh trùng trong tinh dịch. Sau khi được bác sĩ khai thác tiền căn thì phát hiện ra đã từng bị bệnh quai bị lúc nhỏ. Có thể thấy rằng, bệnh quai bị đã tác động đến cơ quan sinh sản và gây ảnh hưởng lớn đến vai trò làm cha của phái mạnh sau này.

Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị do vi rút quai bị (Mumps virus) gây ra. Chúng có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể con người. Bệnh quai bị lây qua đường hô hấp thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa vi rút chưa người bệnh khi họ hắt hơi, nói chuyện, ho, khạc nhổ,… Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và thường xảy ra nhiều nhất ở đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.

Bệnh quai bị có thể gặp ở cả nam và nữ. Khi bị bệnh quai bị sẽ có những triệu chứng như: sốt cao đột ngột, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi, nhức toàn thân, có thể đau bìu và sưng tinh hoàn ở nam giới. 

Sau khi sốt 1 đến 3 ngày thì tuyến nước bọt sẽ đau nhức, sưng to lên ở một hoặc hai bên quai hàm khiến cho mặt bị biến dạng. Khi bị sưng hàm sẽ rất khó khăn khi nhai, nuốt đồ ăn. Đây được xem là dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị.

Biến chứng của bệnh quai bị

Bệnh quai bị tuy không ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng của bệnh quai bị:

  • Viêm cơ tim, viêm tụy cấp tính, viêm não, viêm màng não.
  • Nhồi máu phổi do huyết khối từ tĩnh mạch tuyến tiền liệt.
  • Đối với phụ nữ: người bị bệnh sẽ có dấu hiệu như đau bụng, rong kinh, gây viêm buồng trứng. Đặc biệt là phụ nữ có thai trong giai đoạn 3 tháng đầu khi mắc bệnh quai bị có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu.
  • Đối với nam giới: bệnh quai bị làm viêm tinh hoàn và nặng hơn là teo tinh hoàn, có thể dẫn đến vô sinh.
Hình: Sưng quai hàm là triệu chứng điển hình của bệnh quai bị

Tỷ lệ vô sinh khi bị quai bị ở nam giới

Viêm tinh hoàn là biến chứng thường gặp nhất của bệnh quai bị. Tỷ lệ viêm tinh hoàn lên đến 40% trong số tất cả các trường hợp bị quai bị ở nam giới trưởng thành. Biến chứng viêm tinh hoàn thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai 7 đến 10 ngày, hoặc có thể tùy từng người mà nó xảy ra trước hoặc đồng thời. Nam giới sau tuổi dậy thì chưa được tiêm phòng vắc xin có nguy cơ cao mắc phải viêm tinh hoàn do quai bị.

Khi bị viêm tinh hoàn, nam giới sẽ thấy tinh hoàn bị sưng to, đau và mào tinh căng lên. Sau đó là tình trạng sốt và viêm kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Sau khi sốt thì sẽ có khoảng 50% tinh hoàn bị teo dần, có thể giảm lượng tinh trùng và dẫn đến vô sinh ở nam giới. Tuy nhiên, đây chỉ là 50% tinh hoàn bị teo nhỏ, 50% tinh hoàn còn lại vẫn có thể sinh tinh và trở về trạng thái bình thường.

Tác động trực tiếp của vi rút quai bị hoặc do thiếu máu cục bộ trong quá trình mô bị viêm, phù sẽ làm teo mô tinh hoàn. Quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn ra trong vòng từ 1 đến 6 tháng sau khi bị viêm cấp tính. Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người sẽ có những biến chứng nặng hay nhẹ. Đối với một số người, quá trình sinh tinh sẽ giảm dần và sau đó là mất hẳn. Với những ai bị viêm cả hai bên tinh hoàn sẽ dẫn đến bị vô sinh hoàn toàn, trường hợp này chiếm 15% trên tổng số nam giới mắc bệnh quai bị. 

Có thể thấy tỷ lệ vô sinh khi mắc quai bị ở nam giới khá cao. Vì vậy nam giới sau tuổi dậy thì khi bị mắc bệnh quai bị cần phải chú ý đến biến chứng teo tinh hoàn. 

Chẩn đoán và phòng tránh bệnh quai bị

Ở những khu vực đang có người bị bệnh quai bị, có thể chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, ở những nơi bệnh quai bị ít gặp, có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm kháng thể.

Điều trị viêm tinh hoàn do quai bị thường bao gồm nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động mạnh tác động đến bìu, dùng thuốc giảm đau, kháng viêm và sốt cao.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Sự lây lan của bệnh có thể được ngăn chặn bằng cách cách ly những người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, lời khuyên IVFMD đưa ra đó là tiêm vắc xin phòng chống quai bị. Tiêm vắc xin phòng chống quai bị được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn chưa chưa có tiền sử bị quai bị. Tiêm ngừa vắc xin quai bị hiện nay là cách phòng tránh tốt nhất để giảm những biến chứng do bệnh quai bị gây ra.

Nếu bạn là nam giới và từng bị quai bị thì bạn nên đến khám và xét nghiệm chức năng sinh sản càng sớm càng tốt. Bạn có thể đặt hẹn khám tại IVF Mỹ Đức để có những tư vấn kịp thời và tránh những biến chứng về sau.